Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Hà Nội: Còn 3% vẫn khó về đích?

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, 30/6/2017 là hạn cuối Hà Nội phải cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho người dân.

Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng đến nay, ngành chức năng mới hoàn thành được 97% công việc.
Giống nhau ở… cái khó
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại quận Nam Từ Liêm, dù chính quyền đã thông báo đến lần thứ 3 nhưng vẫn còn 300 hộ dân cố tình không thực hiện kê khai đăng ký quyền sử dụng đất. Các đơn vị chủ quản của 17 khu tập thể (khoảng 500 hộ dân) vẫn chưa phối hợp bàn giao hồ sơ đất, dù chính quyền đã nhiều lần đề nghị. Trong đó, nhiều nhất là Khu tập thể Đài phát sóng Mễ Trì (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam) với 200 hộ dân. Cạnh đó là các khu khác như: Tập thể 873 phường Trung Văn, Tập thể trường Đảng (phường Tây Mỗ), Tập thể Công viên cây xanh (phường Cầu Diễn)… Ngoài ra, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm còn có 800 trường hợp người dân đã xây nhà ổn định nhưng nằm trong khu vực có quyết định thu hồi đất của Chính phủ cho Khu Liên hợp thể thao quốc gia. Hơn 900 trường hợp sử dụng đất trong hành lang sông Nhuệ (không có giấy tờ sử dụng), 1.200 trường hợp sử dụng đất lấn chiếm, tự chuyển đổi đất nông nghiệp sang xây nhà ở kiên cố - phải thực hiện kiểm tra xử lý trước khi cấp GCN (trước đây theo quy định là phải thanh tra)…

Làm thủ tục hành chính tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, chi nhánh Hai Bà Trưng. Ảnh: Thanh Hải

Tương tự, tại huyện Chương Mỹ, hiện vẫn còn 23.757 thửa đất phải kê khai (trong đó 391 thửa không đủ điều kiện cấp GCN). Còn lại 23.366 trường hợp phải kê khai, chỉ có 7.776 trường hợp đủ điều kiện cấp GCN, không cần bàn giao, thanh tra, 15.590 thửa đất do các cơ quan sử dụng phải lập kế hoạch sử dụng đất và phải thực hiện thanh tra trước khi cấp GCN…
Ngoài những khó khăn do các quy định, thủ tục hay do từ phía người dân..., thì tại một số địa phương vẫn còn tình trạng cán bộ địa chính xã gây khó dễ khi người dân làm thủ tục chia tách thửa đất. Một người dân ở thôn Trung Vực trong (xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ) cho biết, gia đình mình được người thân sang nhượng mảnh đất thổ cư hơn 50m2 (đã có sổ đỏ). Rất nhiều lần gia đình đề nghị cán bộ địa chính xã đo và xác nhận diện tích, để tách thửa nhưng họ vẫn gây khó dễ…, nên đến giờ vẫn chưa đủ thủ tục để cấp GCN.
Đề xuất “nhất cử lưỡng tiện”
Trước tồn tại trong việc cấp GCN, Trưởng phòng TN&MT quận Nam Từ Liêm Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, thời gian tới, quận sẽ rà soát từng trường hợp cụ thể để cấp GCN quyền sử dụng đất cho người dân. Theo ông Nghĩa, Thủ tướng Chính phủ hiện đã cho phép điều chỉnh quy hoạch Khu Liên hợp thể thao quốc gia, vì vậy, kiến nghị TP sớm điều chỉnh quy hoạch khu vực này, vì trong đó có 800 hộ dân khu vực Tân Mỹ. Với Cụm trường dạy nghề của TP (phường Tây Mỗ), kiến nghị TP cho chuyển đổi khu vực này thành đất phát triển đô thị. Trường hợp không phù hợp quy hoạch (kể cả giao đất trái thẩm quyền) thì ghi rõ hạn chế quyền sử dụng đất trên GCN. Các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc trái thẩm quyền, đã sử dụng ổn định trước 15/10/1993, khi cấp GCN - được hưởng hạn mức công nhận (180m2), không phải nộp tiền sử dụng đất như các trường hợp đất không có giấy tờ, nhưng đã sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 để đảm bảo công bằng. Các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp, nhưng tự ý chuyển sang làm nhà ở mà lớn hơn hạn mức công nhận (180m2) - vẫn được phép chuyển sang đất ở mà không phải thành lập DN hay HTX. Về nghĩa vụ tài chính thì sẽ thu cao hơn hệ số TP quy định…
Ông Nghĩa cho rằng, nếu được tháo gỡ theo phương án trên, đến năm 2020 sẽ cấp được GCN cho khoảng 4.000 trường hợp: “Giả sử, mỗi hộ khi được cấp GCN phải nộp trung bình 100 triệu đồng thì sẽ thu về cho ngân sách 400 tỷ đồng. Như vậy, vừa đáp ứng được nguyện vọng của người dân là được đóng thuế để sử dụng đất ổn định. Nhà nước sẽ không bị thất thoát ngân sách mà lại quản lý đất đai một cách chặt chẽ. Nhất cử lưỡng tiện”.
Được biết, mới đây, để đẩy nhanh tiến độ cấp GCN và cán đích thành công trong kế hoạch cấp GCN, các ngành chức năng đã đề ra 9 nhóm giải pháp: Tổng hợp các khó khăn vướng mắc, tập trung tháo gỡ để cấp GCN. Đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư chỉ đạo, hướng dẫn xử lý triệt để những trường hợp vượt thẩm quyền; rà soát, tổng hợp, có văn bản đề nghị các cơ quan T.Ư (có đất trên địa bàn) sớm lập hồ sơ kê khai đăng ký cấp GCN theo quy định. Tổng rà soát, kiểm tra, thống kê đầy đủ quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước, quỹ nhà tự quản của các cơ quan T.Ư  bàn giao về TP quản lý để tổ chức kê khai đăng ký cấp GCN theo quy định. Kiểm tra các dự án đầu tư (không thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 61, 62 Luật Đất đai 2013), đã có quyết định thu hồi đất, nhưng quá 3 năm không thực hiện GPMB, các thửa đất vướng mắc về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị bị chồng lấn quy hoạch trên địa bàn TP – để có phương án xử lý, điều chỉnh kịp thời làm căn cứ cấp GCN… Ngày 19/6/2017, Sở TN&MT đã có Văn bản số 4811/STN&MT gửi các quận, huyện, hướng dẫn chi tiết cách tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình cấp GCN.
Theo Sở TN&MT Hà Nội, việc còn 3% số thửa đất chưa được cấp GCN là do nhiều trường hợp người sử dụng đất không có tiền nộp nghĩa vụ tài chính và không muốn ghi nợ tiền sử dụng đất trên GCN. Một yếu tố làm cho việc cấp GCN bị chậm là cơ sở dữ liệu đất đai. Hiện nay, hồ sơ địa chính của TP chưa hoàn thiện, nhiều nơi chưa có bản đồ (toàn TP đến nay chỉ có 3 huyện và 17 phường có bản đồ và hồ sơ địa chính đầy đủ). Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng chủ đầu tư vi phạm pháp luật đất đai trong kinh doanh bất động sản nên chưa thể cấp GCN.

Để hoàn thành việc cấp GCN cho người dân, thời gian tới, các Tổ công tác của TP sẽ tiếp tục xuống cơ sở để tháo gỡ vướng mắc cùng với địa phương. Với 196.000 thửa đã kê khai đăng ký thì sẽ xét duyệt cấp GCN theo quy định của pháp luật. 10.000 thửa đất tôn giáo, các địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và cấp xong trong 2017. Đối với các vướng mắc của quận, huyện trong quá trình thực hiện cấp GCN, Sở TN&MT đã tổng hợp (có khoảng 55 dạng), xin ý kiến Bộ TN&MT và Tổng cục Quản lý đất đai cũng đã có văn bản hướng dẫn.
Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông