Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, ngày 31/5, Quốc hội thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu trước Quốc hội

Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm

Kết luận Phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong một ngày rưỡi thảo luận tại hội trường đã có 77 đại biểu phát biểu, có 9 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo đã tham gia phát biểu giải trình, cung cấp thông tin thêm một số vấn đề có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, nhìn chung, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nội dung, ý kiến rất phong phú, đa dạng, sâu sắc và bao quát mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh,... phản ánh nhiều vấn đề, nội dung, vụ việc được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hộivà ngân sách nhà nước.

Quốc hội biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 như báo cáo của Chính phủ.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến việc hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành các luật như Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; có các giải pháp xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư công tư (PPP).

Tiếp tục giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án giao thông; đổi mới thủ tục giải ngân đầu tư công và khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án, công trình.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất, vấn đề quy hoạch và cung cấp thông tin đầy đủ để phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, người dân; giải quyết các vướng mắc về đất đai.

Có giải pháp căn cơ về đào tạo, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi; chú ý đến các bệnh viện ở vùng biên giới, hải đảo như bệnh viện quân dân y ở đảo Lý Sơn xuống cấp nghiêm trọng chưa được đầu tư.

Tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi THPT và đại học năm 2019. Triển khai quyết liệt, đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen”; giải quyết các vướng mắc trong xử lý nợ xấu.

Xử lý nghiêm, kịp thời các vấn đề gây bức xúc trong xã hội như các hành vi quấy rối tình dục, xâm hại trẻ em; triệt phá các nhóm tội phạm, phòng ngừa tội phạm về ma túy có tổ chức, quy mô lớn, vấn đề cai nghiện ma túy, các vấn đề về bảo vệ môi trường.

Có giải pháp kịp thời để giải quyết các vướng mắc trong và sau quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy ở các địa phương.

Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường quản lý tài sản công, tài chính công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại nghị trường.

Xử lý hài hoà lợi ích các bên trong thanh toán BT

Phát biểu trước các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dành nhiều thời gian đề cập đến vấn đề thanh toán BT. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, việc ban hành nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đặt ra yêu cầu xử lý hài hoà lợi ích nhà nước và nhà đầu tư, đồng thời khắc phục tồn tại hạn chế, tiêu cực trong thời gian vừa qua. Chính phủ đã xem xét lỹ lưỡng và cân nhắc thận trọng nhiều mặt để vừa đảm bảo mục tiêu chặt chẽ đúng pháp luật vừa đảm bảo không hồi tố, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh, ông Dũng thông tin.

Theo Bộ trưởng Dũng, một số nguyên tắc trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư trong hợp đồng BT.

Thứ nhất là phải đảm bảo ngang giá. Nguyên tắc này đã được đề cập trong luật quản lý và sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, trên thực tế, một số hợp đồng BT đã được ký trước ngày luật có hiệu lực thi hành, không đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Diện tích đất chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư BT có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị dự án BT. Đây là một khó khăn rất lớn đòi hỏi phải xử lý phù hợp để quy định vào nghị định.

Thứ hai là việc đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật Đầu tư thì giá trị của dự án BT và việc lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện theo Luật Đấu thầu. Theo pháp luật về đất đai thì việc giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản phải thực hiện đấu giá. Tuy nhiên, đối với quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư BT nếu thực hiện đấu giá là không khả thi vì khi đấu thầu dự án BT thì nhà nước đóng vai trò là bên mua và nhà đầu tư đóng vai trò là bên bán, còn khi đấu giá tài sản công thì nhà nước lại đóng vai trò là bên bán còn nhà đầu tư đóng vai trò là bên mua. Pháp luật hiện hành không có quy định đồng thời vừa đấu thầu vừa đấu giá, bán cùng một giá.

Thứ ba là giá đất để xác định giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, xác định theo giá thị trường. "Thực tế cho thấy việc xác định giá đất trong thời gian vừa qua chưa đạt yêu cầu của nguyên tắc này", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu giải trình trước Quốc hội. Ảnh VGP.

Sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện theo 4 nhóm

Giải trình thêm việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành hai nghị định mới thay thế Nghị định 24/2014/NĐ-CP (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh) và Nghị định 37/2014/NĐ-CP (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện).

"Theo nguyên tắc, Chính phủ chỉ quy định khung cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó số lượng cơ quan chuyên môn sau khi sắp xếp không được nhiều hơn số lượng hiện có", Bộ trưởng khẳng định.

Việc sắp xếp này sẽ chia theo 4 nhóm, gồm: Nhóm thứ nhất là số cơ quan thống nhất quản lý chung trong cả nước. Nhóm hai gồm nhóm tổ chức, sắp xếp lại cho phù hợp. Nhóm ba là nhóm thực hiện thí điểm theo tinh thần Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị. Nhóm thứ tư là nhóm đặc thù.

Về quy định khung biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa để thành lập các tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, sẽ giao cho HĐND tỉnh quyết định, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kết luận số 34-KL/TW.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, đây là vấn đề mới, phức tạp trong việc tổ chức lại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện thời gian tới, được xã hội rất quan tâm, do đó, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan Trung ương và địa phương. Đến nay, đã có 4 tỉnh thí điểm sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh gồm Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai, giảm được 5 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Đối với cấp huyện, đã có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp huyện, đã giảm được 185 phòng chuyên môn.

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo viên sa sút đạo đức
Trong hơn 1 ngày thảo luận trên Hội trường, rất nhiều đại biểu Quốc hội nêu bức xúc liên quan đến ngành giáo dục, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về chất lượng nền giáo dục và hiệu quả của công tác đổi mới trong giáo dục.
Về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã dành 7 phút giải trình trước Quốc hội với 2 nội dung chính: Kỳ thi THPT quốc gia và bạo lực học đường.
Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh, công tác đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là 1 trong nhiều nhiệm vụ phải thực hiện, khắc phục tình trạng một năm có 3 kỳ thi liền kề (tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học) rất nặng nề.
Chính phủ ban hành chương trình hành động, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án với lộ trình đổi mới thi hướng tới một kỳ thi chung để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở xét tuyển vào cao đẳng, đại học. Bộ đã thực hiện chỉ đạo này và qua việc tổ chức thi đã giảm được áp lực.
Người đứng đầu ngành giáo dục đánh giá, kỳ thi năm 2018 có 3 điểm hạn chế chính. Thứ nhất, phần mềm chấm thi còn lỗ hổng, dẫn đến người xấu lợi dụng can thiệp. Thứ hai, công tác quán triệt quy chế thi, hướng dẫn nghiệp vụ chưa làm tốt. Thứ ba, công tác thanh, kiểm tra chưa sâu sắc.
Bên cạnh đó, địa phương theo phân cấp cũng chưa thực hiện đủ trách nhiệm, có việc lựa chọn cán bộ tham gia chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí chính những người này chủ động thông đồng, kết nối với nhau để thực hiện nâng khống điểm.
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Bộ đã cử đoàn thanh tra kiểm tra và có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp làm rõ. Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, làm nghiêm. Việc điều tra có kết quả bước đầu, nhiều cán bộ bị khởi tố, nhiều thí sinh bị các trường trả về. Hiện vẫn đang tiếp tục làm rõ và xử lý đối tượng liên quan.
Để khắc phục những bất cập và đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2019 an toàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường quán triệt quy chế thi, hướng dẫn kỹ về nghiệp vụ, chú trọng khâu điều cán bộ chấm thi, coi thi và tăng cường thanh kiểm tra.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, khâu chấm thi sắp tới Bộ trực tiếp chỉ đạo, giao các trường đại học đứng ra phụ trách; phần mềm được nâng cấp mã hoá toàn bộ dữ liệu, đánh phách; có camera giám sát khu vực thi.... Riêng với môn tiểu luận sẽ được chấm 2 vòng.
Bộ trưởng Nhạ cũng đề nghị cấp uỷ chính quyền địa phương và cử tri, đại biểu tăng cường giám sát để kỳ thi năm 2019 đảm bảo an toàn.
"Những vấn đề được nêu ra thì chúng tôi nhận thức được và đang thực hiện cương quyết. Có những đổi mới chưa thể có thể kết quả ngay được, sự lúng túng, thiếu sót là không tranh khỏi. Chúng tôi sẽ cương quyết khắc phục để làm tốt hơn" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Về vấn đề bạo lực học đường gây bức xúc, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành các văn bản quy phạm về vấn đề bạo lực học đường, chống bạo lực.
Cũng theo Bộ trưởng, cả nước hiện có gần 1,5 triệu giáo viên, trong đó phần lớn say mê nghề nghiệp. Hiện, chỉ có một bộ phận sa sút đạo đức, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cương quyết xử lý và đưa ra khỏi ngành.
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Tiêu huỷ hơn 2 triệu con lợn do dịch tả châu Phi
Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi đang là vấn đề rất lớn, trong lịch sử chưa bao giờ xảy ra với ngành chăn nuôi trên thế giới. Dịch đã lan đến Việt Nam, trong khi đó ngành chăn nuôi lợn nước ta chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nông nghiệp; giá trị ngành nông nghiệp hiện khoảng một triệu tỷ đồng thì chăn nuôi lợn chiếm khoảng 90.000 tỷ, gần bằng 10%. Khu vực này giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ, 10.000 hộ trang trại quy mô lớn và vừa. Trong cơ cấu thực phẩm, thịt lợn chiếm 70% về thịt trong bữa cơm hàng ngày của người dân.
Khi dịch xảy ra ở Trung Quốc ngày 23/8/2018, sau 1 tuần Việt Nam đã ban hành công điện khẩn yêu cầu ngăn chặn từ xa bằng các biện pháp kiểm soát cửa khẩu, biên giới. Đáng tiếc là đến ngày 1/2, ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Hưng Yên. Đến nay dịch đã lan tới 48 tỉnh, thành (hơn 300 huyện) với 2 triệu con lợn (117.000 tấn) bằng 6,5% tổng đàn lợn toàn quốc bị tiêu hủy. "Đây là thiệt hại vô vùng lớn", Bộ trưởng đánh giá.
Cũng theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, dự báo thời gian tới, với tình hình thời tiết phức tạp, điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc thù của bệnh, nếu không có biện pháp tích cực, dịch sẽ tiếp tục lan rộng đến những nơi chưa có; quay lại nơi ổ dịch đã qua 30 ngày; lan vào những hộ chăn nuôi lớn.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, kỹ thuật phòng, chống dịch, an toàn sinh học là biện pháp duy nhất đến lúc này; tất cả các trang trại lớn chưa có dịch do đảm bảo an toàn sinh học tốt.
"Chúng ta còn 94% đàn lợn sạch, chưa có bệnh nên cần tuyên truyền các biện pháp phòng dịch", Bộ trưởng cho biết.
 Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy 
Cảnh báo sự xuống cấp đạo đức, nhân cách xã hội
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (đoàn Hòa Bình) bày tỏ lo lắng khi các loại tội phạm bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Theo đại biểu, nạn nhân của loại tội phạm này thường thuộc nhóm đối tượng ít có khả năng tự bảo vệ, nạn nhân còn nhỏ tuổi. Hậu quả của loại tội phạm này gây ra là hết sức nặng nề cho gia đình bị hại; nạn nhân không chỉ đau đớn về thể xác, hoảng loạn về tinh thần mà còn gây tổn hại về kinh tế, tương lai sau này của các em.
Qua kết quả nghiên cứu của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thì có 60% trẻ em sau các vụ xâm hại tình dục bị tổn thương ở các mức độ khác nhau, luôn mặc cảm, lo sợ và xa lánh mọi người. Bên cạnh đó, tội phạm giết người man rợ xuất phát từ mâu thuẫn tức thì hoặc thù hận, dẫn đến những vụ thảm án đau lòng, nhất là vụ 3 bà cháu bị sát hại ở Lâm Đồng. Ngoài ra, tội phạm về ma túy tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường với sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới, việc mua bán, vận chuyển các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gia tăng.
Dẫn thống kê của ngành Công an, trong quý I năm 2019, có 310 vụ bạo lực học đường, hàng loạt thông tin, clip đăng tải cảnh đánh đập hội đồng một học sinh, đại biểu Quốc hội đoàn Hòa Bình nhấn mạnh, nguyên nhân không hoàn toàn ở các em mà còn là trách nhiệm của những người chăm sóc, quản lý.
Trước tình hình và thực trạng của một số loại tội phạm trên, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường các giải pháp phòng ngừa, kiên quyết xử lý, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm để đảm bảo trật tự an toàn xã hội; tập trung chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên các cấp ủy đảng, chính quyền, cụ thể hóa mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ phù hợp với từng địa phương, đơn vị; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác phòng chống tội phạm.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện phòng chống tội phạm, tích cực phổ biến, tuyên truyền pháp luật trong nhân dân, nâng cao vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương băn khoăn trước vấn nạn an toàn thực phẩm. Đại biểu nhắc lại một số vụ việc nổi cộm gần đây như trường hợp phát hiện lợn gạo vào trường học; rồi hàng ngàn phụ huynh ở Bắc Ninh đưa con về Hà Nội xét nghiệm sán lợn... gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.
"Lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm đang gióng lên hồi chuông nhức nhối. Bộ Y tế cần quan tâm mạnh mẽ hơn", đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
 Toàn cảnh kỳ họp
Nội dung chính ngày thảo luận thứ Nhất
Hôm qua (30/5), Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường. Trong quá trình thảo luận, 52 đại biểu phát biểu ý kiến, 4 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; tình hình những tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018: Nhiều đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo và việc thực hiện linh hoạt, quyết liệt các biện pháp điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của đại biểu đã phân tích làm rõ thêm nguyên nhân khách quan, chủ quan của kết quả đạt được năm 2018, nhất là những yếu tố tích cực có tính chất đột biến, dài hạn nhằm phục vụ tốt công tác điều hành những năm tiếp theo.
Về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2019, các đại biểu thể hiện sự đồng tình với kết quả đạt được trong những tháng đầu năm; đồng thời, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung sau: vấn đề sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; tình hình dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi tác động xấu đến ngành chăn nuôi.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá và báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện, tác động đối với CPI và các mặt kinh tế, xã hội; tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; việc thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn nhiều vướng mắc; về hoạt động “tín dụng đen”; việc chậm cải thiện quá trình cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc chậm giải ngân một số dự án giao thông quan trọng quốc gia và tiến độ xử lý các vướng mắc liên quan đến các dự án BOT.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị nêu giải pháp xử lý dứt điểm gian lận trong thi cử, nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo và bạo lực học đường; về việc chậm triển khai công tác xây dựng pháp luật; về diễn biến phức tạp của nhiều vụ giết người man rợ và buôn bán ma túy số lượng lớn...