Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trước Quốc hội sáng nay (23/5), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trên cơ sở ý kiến các vị ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học, phân tích nhiều khía cạnh của chính sách và báo cáo, các quy định trong dự thảo Luật về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy... được tiếp thu trên cơ sở nguyên tắc phải bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế, có thể khác với các luật hiện hành nhưng trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhân dân.
|
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) phát biểu. |
Về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do Chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định (khoản 1 Điều 32).
Về miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiếp thu ý kiến của đại biểu (ĐB) Quốc hội, để khai thác, sử dụng đất một cách tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời bảo đảm nguồn thu ngân sách của các đặc khu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý chặt chẽ hơn theo hướng thu hẹp phạm vi các dự án được miễn tiền thuê đất cho cả đời dự án; phân biệt rõ các mức độ ưu đãi khác nhau đối với từng loại dự án đầu tư, trong đó, cơ bản chỉ ưu đãi đối với các dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đặc khu (với thời hạn được hưởng ưu đãi đã rút ngắn so với dự thảo Luật Chính phủ trình).
Dự luật mới đồng thời bỏ quy định về miễn thuế mà chỉ áp dụng giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân khác làm việc tại đặc khu. Đối với các dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng bao gồm máy jackpot, máy slot; dịch vụ kinh doanh đặt cược, mức thuế tiêu thụ đặc biệt được điều chỉnh từ 10% trong thời hạn 10 năm sang 15%. Dự thảo luật cũng bỏ quy định ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa là trang thiết bị nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được hoặc trong nước đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc chưa phù hợp cho dự án đầu tư.
Về các ngành, nghề ưu tiên phát triển mà chỉ quy định định hướng, thế mạnh của từng đặc khu; một số ý kiến đề nghị cần tránh sự dàn trải, trùng lặp về ngành, nghề ưu tiên phát triển giữa các đặc khu. Cần bảo đảm nguyên tắc tránh dàn trải, ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm để phát huy lợi thế của từng đặc khu, dự thảo Luật đã bổ sung ngành, nghề dịch vụ tài chính và logistics đối với đặc khu Vân Đồn; sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong.
Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật, các ĐB Quốc hội cho rằng cho rằng lưu ý mở ra cơ chế đột phá cho đặc khu nhưng không phải là sự dễ dãi và đề nghị cần thiết có thể đặt ra quy định chính sách phân biệt nhà đầu tư trong nước, nước ngoài. Đồng thời, cần nêu rõ những chính sách ưu tiên trong luật đặc khu, nhất là vấn đề liên quan đến tài chính, ngân hàng, quản lý tài sản, vì đây là nội dung rất quan trọng để phát triển. Một trong những băn khoăn nhất của các ĐB là về cơ chế hỗ trợ của ngân sách Nhà nước trong những năm đầu bắt đầu thành lập đặc khu còn chưa rõ về cả mức độ, thời gian hỗ trợ.
“Theo ước tính nguồn lực để đầu tư cho 3 đặc khu là 1,57 triệu tỷ đồng, với tính chất đặc thù của cả 3 đặc khu là kinh tế, chính trị,quốc phòng, an ninh thì có những công trình, dự án, hạng mục thì không thể thiếu được bàn tay Nhà nước nên sử dụng NSNN là bắt buộc, nên phải tính cụ thể trong tổng số nguồn lực ấy thì nhà nước đầu tư vào bao nhiêu và tính khả thi của các dự án thực hiện. Và có một nguyên tắc là mọi khoản chi đều phải có trong dự toán. Vì vậy, các quy định phải được đặt trong kế hoạch tài chính, đầu tư công trung hạn để đảm bảo tính khả thi”- ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến.
Về thẩm quyền, Dự thảo Luật quy định, Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện hầu hết các thẩm quyền về quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại đặc khu, được phân quyền mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế với nhiều thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước cấp trên. Các ĐB cho rằng, cần cân nhắc với các dự án nhóm A vì những dự án này liên quan đến an ninh quốc phòng. Đồng thời, liên quan đến đầu tư dự án có nhiều công đoạn, nếu như chỉ giao cho một cá nhân dễ gây thất thoát.