Trong đó, chính quyền địa phương, chủ nhà cho thuê và người thuê đều phải hiểu rõ, thực hiện vai trò, trách nhiệm của chính mình.
Thượng tá đánh giá thế nào về các loại hình nhà trọ, nhà ở kết hợp cơ sở kinh doanh sản xuất, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội hiện nay?
- Thực tế hiện nay trên địa bàn Hà Nội, theo báo cáo của lực lượng chức năng, tính đến đầu tháng 5/2024, TP còn 2.164 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC hoạt động từ sau khi Luật PCCC có hiệu lực. Có 1.429 nhà chung cư, 398 nhà ở nhiều căn hộ, 31.239 nhà trọ, 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.
Và theo đánh giá, Hà Nội còn tồn tại nhiều công trình cũ, xuống cấp dẫn đến nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn với mức độ nghiêm trọng, phức tạp; cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như giao thông, nguồn nước còn những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến công tác tổ chức cứu chữa các vụ cháy, nổ, sự cố.
Nói về tiêu chí an toàn, trong đó có an toàn về tính mạng, tài sản, sức khỏe của con người thì mặt bằng chung về giá trị là như nhau. Nhưng phân tích kỹ một chút là để đạt được giá trị an toàn đó thì ở những người có mức độ thu nhập cao, trình độ văn hóa cao hơn thì họ có cơ hội để tiếp cận những cái điều kiện tốt hơn. Họ ở các căn hộ, khu nhà về cơ bản đạt điều kiện bảo đảm, đạt những tiêu chí an toàn về PCCC.
Còn người lao động, học sinh, sinh viên,… đa số là những người điều kiện kinh tế còn khó khăn họ phải đi thuê. Và họ ít có điều kiện tiếp cận, học tập về kỹ năng an toàn nói chung và PCCC nói riêng.
Có ba nguồn lực chính mà phải đầu tư cho an toàn: con người, thời gian và tiền bạc. Ba nguồn lực này với người có thu nhập mức độ cao, có điều kiện môi trường sống cơ bản an toàn hơn còn với người nghèo thì chưa có gì để bảo đảm. Do đó, họ phải đầu tư vào thời gian đi học hành, thực tập; nếu không bỏ thời gian để tập huấn, nghiên cứu thì không thể nào bảo đảm an toàn được…
Thực tế, về nguồn lực xã hội, thời gian qua các cấp chính quyền địa phương rất quan tâm, đặc biệt là sau vụ cháy chung cư mini hồi tháng 9/2023. Thế nhưng, người thu nhập thấp họ phải đi làm ăn, tập trung vào kiếm tiền, họ bỏ qua hai nguồn lực còn lại.
Để bảo đảm an toàn về PCCC, đặc biệt là tính mạng, tài sản của người dân, trường hợp không may xảy ra sự cố thì làm sao hạn chế thấp nhất về thiệt hại, thưa thượng tá?
- Cháy nổ, bảo đảm an toàn cháy nổ lâu nay là vấn đề nan giải. Nếu coi vấn đề này như cái “kiềng ba chân” (trong đó có vai trò của chính quyền địa phương, chủ nhà cho thuê và người thuê) thì phải làm sao phối hợp cùng nhau cho vững chắc.
Thứ nhất liên quan đó là chính quyền địa phương, vấn đề này phải nói đến yếu tố lịch sử để lại. Ở Hà Nội hiện nay, nhiều nơi từ làng lên phố, chủ nhà xây dựng nhà ở riêng lẻ tạo các phòng cho thuê thì cơ quan phòng cháy tiếp cận với góc độ là chung chung, không thể bắt buộc phải đặt ra các tiêu chuẩn an toàn phòng cháy.
Vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính, họ xây nhà 2 - 3 tầng mà yêu cầu làm hẳn một cái cầu thang chống tụ khói có áp suất lớn; hay mở đường rộng để ô tô ra vào… là điều không tưởng! Do đó, chính quyền địa phương phải làm tốt công tác liên quan đến quản lý.
Ví dụ, ngõ nhỏ giao thông hạn chế, lẽ ra chủ nhà xây hết diện tích đất được vài chục phòng nhưng khống chế lại cả về diện tích, chiều cao cho phù hợp. Mặc dù chủ nhà có giảm bớt mức thu nhập nhưng họ vẫn có thu nhập.
Tiếp đến là cơ quan quản lý Nhà nước về phòng cháy (cảnh sát phòng cháy địa phương). Trước mắt đó là tăng cường các công tác kiểm tra. Rồi công tác phúc tra, có lỗi vi phạm phải kiến nghị, yêu cầu xử lý, có lỗi phải cho chủ hộ thời gian khắc phục. Nhưng lỗi nguy hiểm có thể dẫn đến chết người ngay là phải dừng ngay, phải làm luôn, nếu không bắt buộc dừng hoạt động.
Cảnh sát phòng cháy phải tham mưu cho cơ quan các bộ, ban ngành để kịp thời xây dựng, bổ sung ban hành các quy phạm pháp luật và quy phạm kỹ thuật có liên quan, tức là xây dựng, bổ sung vào trong luật, chỉnh sửa các nghị định rồi bổ sung các quy phạm kỹ thuật vào quy chuẩn.
Yếu tố quan trọng, đặc biệt liên quan là chủ nhà và người thuê nhà. Trong Luật PCCC và các văn bản dưới luật quy định rất chi tiết là một gia đình, một chủ hộ trong quá trình ở, sinh hoạt và làm việc thì phải bảo đảm được ít nhất là 3 trách nhiệm (tại Khoản 3, Điều 5 Luật sửa bổ sung một số điều Luật PCCC năm 2013).
Việc đầu tiên, đó là chủ hộ phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở những thành viên trong gia đình nhà mình chấp hành tốt quy định về PCCC.
Việc thứ hai là phải làm, phải kiểm tra và khắc phục kịp thời các nguy cơ cháy nổ trong gia đình đó.
Thứ ba, phải phối hợp với chính quyền địa phương rồi với cả ngay cả chủ ban quản lý của tòa nhà đó và các hộ xung quanh để bảo đảm tốt về an toàn PCCC. Trong quá trình chủ nhà cho thuê phải bảo đảm đủ điều kiện an toàn và duy trì điều kiện an toàn trong suốt quá trình cho thuê. Thiếu cái gì, xuống cấp cái gì phải tự bổ sung, tự trang bị.
Còn đối với người thuê nhà cũng rất quan trọng, như đã nói ở trên, đa số người dân khó khăn đi thuê một căn phòng nhỏ khép kín, ăn ở, đun nấu vệ sinh gói trọn gói trong nhà. Vì vậy, người thuê phải tự nhận thức được ở môi trường chưa được an toàn thì phải đầu tư thời gian để tự nghiên cứu, học tập kiến thức về PCCC cho mình và cho những người thuê cùng…
Trong thời gian qua, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, chính quyền các cấp về tăng cường bảo đảm an toàn PCCC trong tình hình mới với quan điểm "Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết".
Đặc biệt, "thời điểm vàng" trong PCCC chỉ vỏn vẹn trong 5 phút, do đó việc phát huy tối đa vai trò của phương châm "4 tại chỗ" rất quan trọng. Và nhiều mô hình chữa cháy dựa trên phương châm này, tiêu biểu là mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng" đã phát huy hiệu quả.
Có một số ý kiến nêu đề xuất cấm hình nhà ở cho thuê trọ kết hợp kinh doanh, quan điểm của thượng tá về vấn đề này thế nào?
- Công tác về PCCC hiện nay cũng giống như quan điểm của Nhà nước ta là xây dựng một Nhà nước kiến tạo, tạo điều kiện cho người dân hoạt động, kinh doanh sản xuất một cách an toàn chứ không phải là bảo họ dừng.
Nhu cầu của người dân có đất, xây nhà cho thuê, thuê nhà là quyền lợi chính đáng mà Hiến pháp cho phép. Vì vậy, "quản không được thì cấm" là tư duy sai lầm. Vấn đề ở đây nhà chức trách nên thực hiện là đưa ra cơ chế khuyến khích để người dân tự nâng cấp chỗ ở của mình, thay vì ban hành lệnh cấm. Từ đó, cần có giải pháp căn cơ để ngăn chặn, hạn chế những vụ cháy thương tâm gây thiệt hại nhiều về người xảy ra ở những đô thị lớn như Hà Nội...
Xin cảm ơn thượng tá!
Những tòa nhà đã được xây dựng nhiều năm trước đây, hệ thống PCCC đã xuống cấp, vấn đề an toàn về phòng cháy cũng đáng báo động. Những tòa nhà dưới 7 tầng do người dân tự xây dựng để ở, kết hợp với mục đích kinh doanh cho thuê trọ, quy định về PCCC còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn. Quy định về PCCC có những thay đổi, có nhiều quy định không còn phù hợp dẫn đến nhiều trường hợp khó xử lý…
Cơ quan chức năng cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, kiểm tra đánh giá hiện trạng thực tế về việc cho thuê phòng trọ, đặc biệt là những nhà ở riêng lẻ kết hợp với cho thuê trọ để có những quy định phù hợp với vấn đề bảo đảm an toàn PCCC.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội