Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtdothi - Cầu truyền hình trực tiếp “Dáng đứng Việt Nam” nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ được thực hiện tại 4 điểm cầu: tượng đài Bắc Sơn (Hà Nội), Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 (Thái Nguyên), Thành cổ Quảng Trị, Bến Dược – Củ Chi (TP Hồ Chí Minh).

Và chủ đề chính của chương trình cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam” một lần nữa khẳng định: Thế hệ người Việt Nam hôm nay không bao giờ quên những công lao to lớn ấy. Ngọn lửa của lòng yêu nước được hun đúc, truyền lại từ thế hệ cha ông đi trước sẽ được tiếp nối, truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay.
 Cầu truyền hình trực tiếp ''Dáng đứng Việt Nam''
Cầu truyền hình trực tiếp “Dáng đứng Việt Nam” được thực hiện tại 4 điểm cầu: tượng đài Bắc Sơn (Hà Nội), Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 (Thái Nguyên), Thành cổ Quảng Trị, Bến Dược – Củ Chi (TP HCM) và các phóng sự được thực hiện tại: Điện Biên, Quảng Trị, Côn Đảo, TP HCM, Hà Giang, Đồng Nai, Quãng Ngãi, Quảng Bình,... Chương trình truyền hình trực tiếp vào 20h ngày 26/7 trên kênh VTV1.
Xác định đây là chương trình trọng điểm quốc gia nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ nên ý tưởng xuyên suốt trong cầu truyền hình Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ - Dáng đứng Việt Nam được gói trong từ khóa "danh tính". Theo Nhà báo Tạ Bích Loan, người chịu trách nhiệm sản xuất chương trình, sở dĩ những người thực hiện chương trình chọn từ khóa này là bởi khi những người chiến sỹ hành quân, tất cả họ cùng hòa vào cùng đoàn quân tiến ra tiền tuyến để bảo vệ Tổ quốc. Như Bác Hồ nói, họ đã làm thành một con đê ngăn những đợt lũ xâm lăng. Và khi họ mất đi, có những người có tên trên bảng ghi danh, nhưng cũng có người vô danh, chẳng để lại gì về bản thân. Vậy chúng ta, những thế hệ đi sau, có thể làm gì để tìm lại, ghi nhớ lại những công lao, những đóng góp của các thế hệ những anh hùng đó.
Cầu truyền hình sẽ kể câu chuyện về liệt sỹ Nguyễn Kỳ Sơn - người đã hy sinh trong những trận đánh ác liệt kéo dài 81 ngày tại Thành cổ Quảng Trị.
Năm 1970, chàng trai trẻ Nguyễn Kỳ Sơn thi đậu vào Học viện thuỷ lợi, khoa Thuỷ công. Trước đó năm 1969: Kỳ Sơn thi Đại học và đủ điểm đi học tại nước ngoài nhưng không đi. Tháng 9/1971, khi đang là sinh viên năm thứ hai, anh viết thư tình nguyện đi bộ đội. Trong cuốn nhật kí bằng thơ của mình, Nguyễn Kỳ Sơn tự hào: "Tuổi 18 lên đường đánh Mỹ/ Vui gì hơn anh lính tân binh/ Mũ sáng soi miệng cười chúm chím/ Ánh hào quang tỏa sáng niềm tin”.
 Cô y ta ngóng đợi tình yêu dang dở suốt 43 năm
Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, đơn vị củaNguyễn Kỳ Sơn chốt giữ trong thành cổ đổ nát, khét lẹt mùi bom đạn, chết chóc. 81 ngày đêm giữ thành, tranh thủ giây phút ngớt tiếng bom đạn giữa hai trận đánh, Kỳ Sơn kê cuốn nhật kí lên gối ghi vội những dòng chữ thấm đẫm tình yêu thương, những nghĩ suy về tình yêu, giá trị cuộc sống.
Ngày 19/8/1972, sáu ngày trước lúc hy sinh, Nguyễn Kỳ Sơn viết: "Ngày mai tôi giáp trận. Rất có thể rằng tôi sẽ ngã xuống. Không can gì, đấu tranh là phải đổ máu, có máu mới có màu đỏ, có chiến thắng. Không sợ chết, không sợ hy sinh, gian khổ. Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời được tôi rèn.”
Câu chuyện của 2 người mẹ đợi con 30 năm dù con đã hy sinh trong trận chiến CQ88. Mẹ Dương Thị Tạo - mẹ của liệt sỹ Phan Văn Thiềng - E83 công binh hải quân, quê ở Đồng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), bao năm nay vẫn một mình ở trong căn nhà cũ bên bờ biển đợi con về. Hỏi mẹ vì sao không về sống với các con gái của mẹ đang ở trong làng cho ấm áp mỗi khi trời giông gió, mẹ bảo: “Tui ở nhà ni để chờ thằng Thiềng về! Hắn đi bộ đội, người ta về cả rồi mà hắn vẫn chưa...”. Căn nhà nhỏ trên cát trắng đã xập xệ theo tháng năm qua và gió mưa. Mẹ vẫn không chịu về ở với người con trai út là anh Phan Văn Thoan, dù nhà anh chỉ cách nhà mẹ có vài chục mét, mẹ sợ rằng nếu mẹ đi chỗ khác lỡ nó về không có ai đón…
Trong chiến tranh còn nỗi đau của những mối tình dang dở của liệt sỹ Đỗ Ngọc Lâm (quê ở Hải Dương, đơn vị Đại đội 506B, tiểu đoàn 704 đặc công Quảng Ngãi, hi sinh ngày 17/10/1974 tại Mộ Đức, Quảng Ngãi, hiện vẫn chưa tìm thấy mộ) với cô y tá Đỗ Ngọc Cẩm (năm nay 70 tuổi, quê ở Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) hẳn sẽ khiến nhiều người xúc động. Trong thời gian chiến đấu tại Quảng Ngãi, liệt sỹ Đỗ Ngọc Lâm đã gặp và yêu cô y tá Đặng Ngọc Cẩm, hai người quen nhau từ năm 1972 và đã hẹn ước sau khi thống nhất sẽ làm lễ cưới. Nhưng chiến tranh không phải trò đùa, người yêu của cô đã mãi mãi không bao giờ trở lại. Tất cả những gì cô giữ lại được là 4 bức thư chú gửi cho cô trong quá trình đi chiến đấu. Cô đã ở vậy từ đó cho đến nay chỉ bằng sức mạnh từ vỏn vẹn 4 bức thư của người đã mất. Đến nay, khi đã ở tuổi thất thập, niềm mong mỏi lớn nhất của cô Cẩm là tìm được về gia đình người yêu, tìm lại phần mộ của anh chỉ với vài manh mối nhỏ: tên anh, tên vị và quê anh ở Hải Dương.