Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chà đạp lên nghệ thuật

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháp là tác phẩm nghệ thuật công cộng mang nhiều tâm huyết của nhóm tác giả Mai Thu Vân, Nguyễn Ngọc Lam, Đỗ Anh Tuấn được trưng bày gần tháp Hòa Phong, sát bờ Hồ Gươm. 20 nghệ sĩ đã phải bỏ công bỏ sức cùng thực hiện dự án nghệ thuật Tháp và 5 dự án nghệ thuật khác để trưng bày làm đẹp Hồ Gươm.

 ''Nỗi đau'' của 1 tác phẩm nghệ thuật
Nhưng thay vì sự thích thú, ngắm nhìn cảm nhận trong những ngày đầu, chỉ ít ngày sau đó, Tháp trở thành nơi khách tham quan tiểu tiện, phóng uế… khiến khu vực này bốc mùi nồng nặc. Nghệ sĩ sáng tác phải lắc đầu ngao ngán nhưng cũng đầy chua xót khi dán lên tác phẩm dòng chữ: “Đây là mô hình trang trí, không phải nhà vệ sinh, cấm đái ỉa!”.
Những tác phẩm nghệ thuật công cộng, có sức thu hút và thỏa mãn nhu cầu thị giác của công chúng vốn rất phổ biến tại nhiều quốc gia. Nhưng tại Việt Nam và ngay tại trung tâm đô thị lớn như Hà Nội thì lại rất hiếm hoi. Thói quen thưởng thức và sống cùng những tác phẩm nghệ thuật ở nơi công cộng vì thế còn xa lạ với người dân. Không ít nghệ sĩ mong muốn đưa tác phẩm của mình đến gần với không gian sống nhưng rồi nhanh chóng nản lòng. Trường hợp Tháp nói trên cũng không phải là ngoại lệ.
Chỉ sau vài ngày ra mắt, tác phẩm nghệ thuật này đã bốc mùi xú uế, mất vệ sinh khiến rất nhiều người chỉ vừa đặt chân vào đã vội trở ra. Lý do, bởi nhiều người đi đường nhìn thấy công trình khá kín đáo, lại khuất nẻo ở bên trong nên đã tận dụng để... đi vệ sinh, thay vì tới các nhà vệ sinh công cộng ngay gần đó. Bắt đầu lẻ tẻ vài trường hợp, đến khi mùi khó chịu bốc lên từ bên trong Tháp thì dường như không còn ai xem đây là một tác phẩm nghệ thuật nữa mà đóng vai một nhà vệ sinh bất đắc dĩ khiến các cơ quan chức năng buộc phải tháo Tháp khỏi khu trưng bày.
Hồ Gươm – nơi cổ kính, hội tụ những nét văn minh thanh lịch nhất của người Hà Nội. Nhưng đã có quá nhiều câu chuyện về ứng xử nơi công cộng đáng buồn đã từng diễn ra ở Hồ Gươm. Từ “hôi hoa” sau lễ hội hoa Xuân, cho đến giẫm đạp, bẻ cành trong lễ hội đếm ngược, rồi xả rác bừa bãi buộc một công ty phải dùng biện pháp ghi hình xử phạt. Không thể nói những hành động xấu ở trên là lỗi của người Hà Nội, mà có thể là du khách từ xa đến chơi, thăm Thủ đô.
Tuy nhiên, để sự việc đó xảy ra, những người đang nỗ lực vì một Thủ đô văn minh hiện đại thấy chạnh lòng xấu hổ. Họ xấu hổ với du khách quốc tế, xấu hổ với những nghệ sĩ bỏ công, bỏ sức sáng tác ra tác phẩm nghệ thuật để rồi bị ứng xử kém văn minh, với trường hợp như Tháp. Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng, trong đó có quy định cấm vệ sinh, xả rác bừa bãi, phá hoại cây xanh, thảm cỏ vườn hoa nơi công cộng…, nhưng vẫn còn không ít người ứng xử thiếu văn minh.