Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chậm ban hành biểu mẫu tạm giữ phương tiện theo Thông tư 07: Khó xử lý vi phạm

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thay đổi nhận thức, tạo thói quen trong chấp hành các quy định của pháp luật, việc xử phạt, tạm giữ phương tiện, vật dụng vi phạm là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc các đơn vị có liên quan chậm ban hành mẫu tạm giữ phương tiện mới khiến công tác kiểm tra, xử lý ở cơ sở gặp không ít khó khăn.

Việc thiếu biểu mẫu tạm giữ phương tiện khiến việc kiểm tra xử lý gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa
Chậm hướng dẫn
Theo Thông tư số 07/2019/TT – BCA ngày 20/3/2019 của Bộ Công an quy định về các biểu mẫu sử dụng để xử phạt hành chính thuộc thẩm quyền của Công an Nhân dân quy định, công an các đơn vị, địa phương khi in biểu mẫu quy định tại Điều 3 Thông tư (70 biểu mẫu - PV) này phải in thống nhất trên khổ giấy A4, không được thay đổi nội dung của mẫu. Đồng thời có trách nhiệm quản lý việc in, cấp phát, sử dụng biểu mẫu và có sổ sách theo dõi.

Thông tư 07 có hiệu lực thi hành từ ngày 6/5/2019 và thay thế Thông tư số 34/2014/TT-BCA ngày 15/8/2014 của Bộ Công an quy định về các biểu mẫu để sử dụng khi xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Công an Nhân dân. Trong trường hợp, Công an các đơn vị, địa phương đã in các biểu mẫu được ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa sử dụng hết thì được tiếp tục sử dụng; chậm nhất từ ngày 1/7/2019 phải thực hiện thống nhất theo biểu mẫu quy định tại Thông tư này.

Tuy nhiên, đã hơn một tháng trôi qua, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo công an nhiều phường trên địa bàn TP cho biết, hiện nay các đơn vị chức năng của Công an TP vẫn cung cấp được một số bảng mẫu theo quy định, đặc biệt là biên bản tạm giữ phương tiện nên việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự đô thị gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, lãnh đạo Công an một phường trên địa bàn TP (xin được giấu tên) chia sẻ, hiện nay việc xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT, trật tự đô thị, các lực lượng chức năng vẫn tiến hành xử lý bình thường. Tuy nhiên, đối với hành vi liên quan đến việc tạm giữ phương tiện gặp rất nhiều khó khăn.

Sớm thống nhất trong triển khai

Theo lãnh đạo Công an một phường trên địa bàn TP, trước đây, khi phát hiện một phương tiện dừng đỗ sai quy định mà người vi phạm không có mặt tại hiện trường, lực lượng chức năng sẽ tiến hành lập biên bản, niêm phong phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, theo Thông tư 07, từ ngày 1/7/2019 việc lập biên bản xử phạt hành chính, tạm giữ phương tiện, niêm phong… phải thống nhất theo một mẫu chung do Bộ Công an quy định. Thế nhưng, đến nay, nhiều nơi vẫn chưa có những mẫu này, đặc biệt là biên bản tạm giữ phương tiện, niêm phong… nên lực lượng chức năng chỉ có thể phạt tại chỗ chứ không thể tạm giữ phương tiện trong trường hợp người vi phạm cố tình không ra làm việc.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Ban Chỉ huy công an nhiều phường trên địa bàn TP chia sẻ, việc Bộ Công an ban hành Thông tư 07 quy định về các biểu mẫu sử dụng để xử phạt hành chính thuộc thẩm quyền của Công an Nhân dân là điều cần thiết. Bởi, khi Thông tư này được áp dụng, nó sẽ chấm dứt tình trạng mỗi đơn vị, lực lượng lại có một biên bản tạm giữ, mẫu niêm phong riêng gây khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, việc chậm chuyển các biểu mẫu đến các cơ sở khiến việc kiểm tra xử lý vi phạm trật tự đô thị, ATGT rơi vào cảnh “đánh trống thiếu dùi”. Do đó, để khắc phục tình trạng trên, đề nghị các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ in ấn để chuyển các biểu mẫu đó về các cơ sở.