Nhưng đấy cũng là khởi nguồn cho sự lãng phí, lạm dụng vì những động cơ cá nhân, thậm chí là tham nhũng. Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55/-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong đó yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng ăn uống xa hoa, lãng phí được dư luận ủng hộ. Nhiều người cho rằng, đó chính là một "liều thuốc" đặc trị đối với căn bệnh phản cảm này.
“Cái lệ” dễ lây lan
Không biết từ khi nào, việc liên hoan, ăn mừng được tổ chức với lý do chào mừng thành công hội nghị - đại hội của tập thể xuất hiện. Và cũng không biết “cái lệ” mang phong bì, quà tặng để biếu cán bộ được đề bạt, luân chuyển lên vị trí cao hơn xuất hiện như một “quy định bất thành văn” từ bao giờ. Nhưng liên tục những thông tin, những bài báo về việc ông này “rửa ghế”, hội nghị kia ăn uống linh đình; rồi những bữa tiệc xa hoa, lãng phí, nhất là trong các dịp lễ, Tết, cưới, hỏi… diễn ra ở nơi này nơi khác, chưa nói đến việc tặng quà, hối lộ, biếu xén làm dư luận bức xúc. Thậm chí ở một số nơi, T.Ư còn phải cấp ngân sách chi thường xuyên nhưng cứ có khách tới là rượu chè triền miên.
Từng có vị lãnh đạo tổ chức hiếu, hỉ đã mời thật nhiều người “nằm trong tầm ảnh hưởng” đến dự, khiến sau đó dư luận râm ran về chuyện “thu lời tiền tỉ” và mức độ “hoành tráng” của mối quan hệ. Có không ít thông tin về mỗi dịp sinh nhật, tân gia, các ngày lễ, Tết, thậm chí đơn giản là giỗ chạp của gia đình không ít cán bộ đảng viên có chức có quyền… cũng được những người có lợi ích coi đó là cơ hội tặng quà nhằm duy trì mối quan hệ “có đi có lại”.
Hay sự việc một sở đã mở tiệc giao lưu chúc mừng vị tân Phó Giám đốc khiến tỉnh đã phải ra công văn chỉ thị xử lý nghiêm. Rồi cán bộ phường nghỉ làm đi liên hoan chia tay “sếp” được thăng chức bỏ cả nhiệm sở hay quan chức xã, đơn vị Nhà nước “mượn” trụ sở tổ chức hoành tráng tiệc cưới cho con đã được phản ánh và gây nên sự bất bình. Có những vụ việc sau đó được xử lý khi báo chí lên tiếng, nhưng cũng có những vụ việc chìm dần đi. Tuy nhiên vẫn để lại những dấu hỏi lớn trong lòng người dân chứng kiến.
Trên thực tế đã có không ít cán bộ, đảng viên lợi dụng việc cưới con, giỗ, Tết, hay thậm chí là tổ chức sinh nhật, mời thật đông khách với mục đích "kinh doanh". Không chỉ tổ chức hiếu, hỷ ăn uống linh đình hàng vài trăm mâm hết sức lãng phí, một số cá nhân còn lợi dụng những dịp này để tặng quà, biếu xén, đút lót, hối lộ cấp trên nhằm mục đích tư lợi. Dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đã tạo cơ hội cho những phần tử kém phẩm chất, năng lực chui sâu, leo cao trong bộ máy công quyền.
Nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, không chỉ là chuyện xa hoa, lãng phí, mà việc ăn uống tràn lan, quà cáp biếu xén còn làm băng hoại đạo đức cán bộ, công chức, làm giảm hiệu năng của cơ quan công quyền, tạo ra kẽ hở cho những “con voi tiêu cực chui qua lỗ kim". Những nét thuần phong mỹ tục đã biến thành hủ tục, đạo lý tương thân tương ái đã biến thành áp lực nợ nần, thành quan hệ vay - trả. Rồi việc đón rước rầm rộ với những băng rôn, khẩu hiệu, cờ quạt... không chỉ gây tốn kém, lãng phí ngân sách, mất công mất việc mà còn gây phản cảm trong xã hội.
Cần có cơ chế giám sát tốt
“Nghiêm cấm”, “phải chấm dứt ngay”, “phải thực hiện nghiêm”… là những yêu cầu thể hiện thái độ kiên quyết trong Quy định số 55 của Bộ Chính trị. Những yêu cầu cụ thể được đưa ra là thể hiện hành vi sống của các đảng viên nói chung và những người lãnh đạo nói riêng. Dư luận xã hội đánh giá cao và kỳ vọng đây sẽ là “cây gậy”, “liều thuốc đặc trị” để răn đe, trấn áp những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất. Theo ý kiến của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng: Nếu như tất cả cán bộ, công chức, trước tiên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt mà làm gương được thì sẽ có sức thuyết phục lớn đối với xã hội. Đây cũng là căn cứ để Nhân dân phát hiện bởi vì cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra. Mong sau khi có Quy định này, không có đảng viên, lãnh đạo nào bị đưa lên trên mạng vì làm trái quy định của Bộ Chính trị.
Và giải pháp được nhiều người đưa ra để quy định mang lại hiệu quả cao là các cơ quan chức năng như Ủy ban Kiểm tra các cấp, Thanh tra rồi Nhân dân, báo chí phải phối hợp cùng giám sát. Điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác, tự rèn luyện ý thức sống văn hóa. Thậm chí phải thấy xấu hổ khi lĩnh lương từ tiền thuế của dân mà ăn chơi bê tha. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần thay đổi cả về suy nghĩ và nếp sống.
Điều được nhiều người nhấn mạnh là Đảng và Nhà nước đã có không ít quy định, thậm chí đã đưa vào luật về việc cấm dùng tiền ngân sách để biếu xén, tặng quà nhằm vụ lợi cho bản thân, bởi thực chất đây chính là hành vi tham nhũng. Nhưng vẫn có không ít cán bộ, đảng viên “biết luật những vẫn phạm luật”, hoặc công khai hoặc lén lút rút tiền ngân sách để biếu xén cấp trên. Rồi việc cấm “tiệc tùng”, liên hoan xa hoa, lãng phí đã được cấm từ trước, nhưng khi quán triệt, tuyên truyền thì rầm rộ, lúc thực hiện vẫn tồn tại tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, muốn thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Chính trị thì trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, mỗi bộ, ngành, địa phương phải nêu gương, đặc biệt cần có cơ chế giám sát cho tốt. Nếu "đi đêm" vì mục đích vụ lợi thì phải lên án. Hội nghị nào tổ chức tiệc tùng linh đình, chè chén xa hoa chắc chắn dân sẽ biết. Do đó, phải phát động được Nhân dân, những người trong sáng để giám sát, phát hiện thì tôi tin sẽ có hiệu quả.
Như Bộ Chính trị đã nhấn mạnh, phát huy vai trò tích cực của Nhân dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát thực hiện quy định. Chỉ cần cương quyết, sâu sát, những “lời nhắc nhở quyết liệt” ấy sẽ góp phần để chấn chỉnh dứt điểm những biểu hiện lãng phí tràn lan hiện nay.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong Bà Đỗ Thị Luyện Bí thư Chi bộ 1, phường Trung Phụng, quận Đống Đa Ông Nguyễn Huy Cảnh Đảng viên Chi bộ thôn Vũ Lăng, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai Toản Long ghi |