Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chắp cánh đổi mới sáng tạo, hành trình đi tới thịnh vượng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ở đâu có đổi mới giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, thì ở đó sẽ có tiến bộ. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để đột phá trong phát triển thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Nền tảng quan trọng cho tăng năng suất, năng lực cạnh tranh

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết cho biết, nhờ áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo, công ty đã giữ được vị thế tiên phong trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Doanh thu của công ty năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt, giai đoạn 2020-2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng từ 15 - 18%, lợi nhuận tăng khoảng 17%.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo . Ảnh minh hoạ
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo . Ảnh minh hoạ

CEO Công ty CP Lumi Việt Nam Nguyễn Đức Tài cho biết, công ty thiết kế và phát triển 65 kiểu dáng sản phẩm khác nhau. Hệ sinh thái smarthome toàn diện giúp giải quyết bài toán về năng lượng, thẩm mỹ, an ninh, đồng thời nâng cao trải nghiệm sống của người dùng Việt. Sau 11 năm phát triển, công ty cũng là thương hiệu smarthome Việt Nam đầu tiên xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, bao gồm Israel, Thái Lan, Ấn Độ, Lebanon.

Chuyển đổi số giúp thay đổi cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Để có thể đưa tốc độ tăng GDP năm 2024 lên trên 6% và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu này của cả nhiệm kỳ ở mức cao nhất, thì ngoài thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), cần những điểm tựa mới cho tăng trưởng. GS, TS Trần Thọ Đạt - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân khẳng định: "cần thúc đẩy phát triển kinh tế số; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo gắn chặt với số hóa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là yêu cầu bắt buộc, không chỉ nhằm tăng năng suất lao động, mà xa hơn là gia tăng khả năng cạnh tranh của quốc gia trong thời kỳ hội nhập toàn cầu".

“Chỉ có KHCN, đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên so với khu vực và thế giới”- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ 2023 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Quỹ Đầu tư DO Ventures công bố gần đây cho thấy:  trong thập kỷ vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã liên tục đẩy mạnh phát triển kinh tế số, coi đây là mục tiêu được ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia. Theo đó, nền kinh tế số của Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28% so với năm 2021, từ mức 18 tỷ USD lên 23 tỷ USD, mức tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng với sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư bao gồm cả trong và ngoài nước tại nhiều lĩnh vực mới như cơ sở hạ tầng, y tế, dịch vụ địa phương và logsitics…

Tạo cơ chế đặc thù cho đổi mới sáng tạo

Hành trình đi tới thịnh vượng không phải là ước vọng của duy nhất Việt Nam mà của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Rất nhiều quốc gia đã sử dụng các trung tâm đổi mới sáng tạo để thúc đẩy áp dụng những chiến lược kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Sau gần 3 năm xây dựng, với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản, hiện đại, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28/10 sẽ đóng vai trò như một “bà đỡ” cho doanh nghiệp.

Một khu trưng bày tại triển lãm VIIE 2023. Ảnh TTXVN
Một khu trưng bày tại triển lãm VIIE 2023. Ảnh TTXVN

Nhiều sản phẩm, công nghệ mới trong 8 lĩnh vực trọng tâm của Trung tâm đang được triển khai mạnh mẽ, ứng dụng vào thực tiễn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp khá lớn, gồm: nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, công nghệ môi trường, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, Hydrogen và y tế.

Nhân dịp này, phòng lab Samsung Innovation Campus và Trung tâm ươm tạo thiết kế chip chính thức được khánh thành.

“Samsung sẽ luôn hỗ trợ tích cực vì sự thành công và phát triển của NIC, hiện thực hóa những giá trị và cam kết, đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam”- Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại Tổ hợp Samsung Việt Nam -Kim Yong Sup chia sẻ.

Cùng với việc khánh thành cơ sở NIC Hòa Lạc, Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) với hơn 200 gian hàng từ các doanh nghiệp lớn như Samsung, SK, VinFast, CT Group,… hay các start-up trong nước như Skola, Plasma,.. đông kín người, các chuyên gia trong và ngoài nước, những người dân yêu công nghệ, yêu đổi mới đều tập trung tại “bản doanh” đổi mới sáng tạo của đất nước.

Với mạng lưới đổi mới sáng tạo hơn 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt, NIC đặt mục tiêu có 500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo vào năm 2030.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Hiện thực hoá mục tiêu này, Chính phủ đã và đang triển khai các chương trình hành động cụ thể để đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.

Thủ tướng tin rằng Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ tạo ra không gian đổi mới sáng tạo cho đất nước, thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển thành mô hình thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho đất nước. Đồng thời góp phần tạo nên một biểu tượng mới cho Việt Nam, là điểm đến của đổi mới sáng tạo.

Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư đối với NIC, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ khoa học công nghệ; khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong đó, luôn đặt doanh nghiệp, người dân là trọng tâm của đổi mới sáng tạo.

Phát huy tinh thần hợp tác, kết nối hiệu quả, bền vững, toàn diện giữa các chủ thể của hệ sinh thái đối mới sáng tạo, gồm khối doanh nghiệp, tập đoàn lớn; khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo; khối viện nghiên cứu, trường đại học; khối tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo… Thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, trên cơ sở phát huy vai trò quan trọng của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng, TP.Hải Phòng, TP.Cần Thơ….

 

Rất cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo của Chính phủ nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để có thêm các Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cả nước tiếp tục phát triển. Từ đó tạo sức hấp dẫn để thu hút nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn công nghệ lớn từ các nước có trình độ công nghệ phát triển, đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia. (PGS.TS Trần Đình Thiên)