KTĐT - Châu Á vẫn là một trong số ít khu vực năng động nhất của nền kinh tế thế giới nên đào tạo các nhà lãnh đạo kinh doanh trong tương lai của châu lục này sẽ tác động sâu rộng đến phương thức kinh doanh toàn cầu.
Ngày 8/11, trong thông điệp gửi diễn đàn "Các nguyên tắc quản lý giáo dục có trách nhiệm" (PRME) tại Seoul (Hàn Quốc), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh sáng kiến giáo dục toàn cầu về quản lý giáo dục có trách nhiệm.
Ông Ban Ki-moon cho rằng sáng kiến PRME cần được thúc đẩy trên toàn cầu, đặc biệt là châu Á vì sáng kiến này thúc đẩy trách nhiệm của các công ty cũng như sự bền vững trong giáo dục kinh doanh, vì thế đóng vai trò to lớn trong tiến trình xây dựng một kỷ nguyên mới bền vững ở châu Á và trên toàn cầu.
Châu Á vẫn là một trong số ít khu vực năng động nhất của nền kinh tế thế giới nên đào tạo các nhà lãnh đạo kinh doanh trong tương lai của châu lục này sẽ tác động sâu rộng đến phương thức kinh doanh toàn cầu. Châu Á cũng đã khẳng định giáo dục kinh doanh tập trung trước hết vào hiệu quả.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng lưu ý rằng sáng kiến PRME đã thu hút các trường đại học và các viện nghiên cứu không chỉ ở châu Á mà cả thế giới. Hơn 320 trường và các viện nghiên cứu ở 60 nước đã tham gia PRME vì sự nghiệp chung và đã giúp tăng cường các giá trị và hiệu quả của Tổ chức Khế ước toàn cầu của Liên hợp quốc hiện đã có hơn 8.000 công ty xuyên quốc gia tham gia nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm xã hội.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi các học giả và các nhà nghiên cứu tham gia tích cực sáng kiến PRME để tăng cường cơ hội giáo dục cho tất cả mọi người, thúc đẩy tư duy toàn cầu về một văn hóa mới về trách nhiệm xã hội của trí thức.
Các nguyên tắc quản lý giáo dục có trách nhiệm cũng gắn kết với Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên bố Liên hợp quốc về quyền con người đồng thời cũng là các giá trị phổ quát mà giáo dục có thể thúc đẩy và giúp thực hiện thành công. Ông khẳng định không có liên minh nào mạnh hơn liên minh giữa tri thức và trách nhiệm xã hội.