Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu chia rẽ về vụ Mỹ-Anh bất ngờ không kích Houthi 

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Washington sẽ không do dự thực hiện thêm các biện pháp để bảo vệ dòng chảy thương mại qua Biển Đỏ.

Chiến đấu cơ Anh xuất kích, tấn công lực lượng Houthi  ở Yemen. Ảnh: Reuters
Chiến đấu cơ Anh xuất kích, tấn công lực lượng Houthi  ở Yemen. Ảnh: Reuters

Các quốc gia phương Tây đang chia rẽ về cách đối phó với lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn, bên đã nhắm mục tiêu vào các tàu dân sự ở Biển Đỏ trong nhiều tuần qua với lý do phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza.

Ngày 11/1, quân đội Mỹ và Anh đã không kích nhằm vào lực lượng Houthi tại Yemen. Bốn chiến đấu cơ Typhoon của Anh và tàu ngầm hạt nhân USS Florida của Mỹ đã phóng hàng loạt tên lửa vào nhiều cơ sở của Houthi ở Yemen. Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ tấn công lực lượng Houthi ở Yemen, kể từ năm 2016, theo Reuters.

Cuộc không kích của quân đội Mỹ, Anh diễn ra chỉ một tuần sau khi Nhà Trắng và nhiều quốc gia đưa ra cảnh báo cuối cùng, yêu cầu Houthi ngừng tấn công tại Biển Đỏ hoặc phải hứng chịu các phản ứng quân sự tiềm tàng.

Các quan chức Mỹ cho biết, Hà Lan, Australia, Canada và Bahrain hỗ trợ hậu cần và tình báo cho đợt không kích tại Yemen.

Ngoài ra, Đức, Đan Mạch, New Zealand và Hàn Quốc đã ký một tuyên bố chung với 6 quốc gia này về lý do phát động cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Houthi, cũng như về các hành động tiếp theo để bảo vệ an ninh tại Biển Đỏ.

Tuy nhiên, Italia, Tây Ban Nha và Pháp không tham gia hỗ trợ các cuộc không kích gần đây của Mỹ và Anh nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen, đồng thời không ký vào tuyên bố chung nói trên.

Văn phòng Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cho biết nước này từ chối ký vào tuyên bố chung về lý do thực hiện cuộc không kích của liên quân Mỹ và Anh, do đó Roma không được mời tham gia vào các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Houthi hôm 11/1.

Tuy nhiên, một nguồn tin khác tiết lộ, Italia đã được đề nghị tham gia nhưng đã từ chối vì hai lý do - thứ nhất là vì bất kỳ sự tham gia nào của Roma đều phải được sự đồng ý của Quốc hội, việc này sẽ mất thời gian. Lý do thứ hai là Rome muốn kiềm chế leo thang căng thẳng tại Biển Đỏ.

Phát biểu với hãng tin Reuters, một quan chức Pháp yêu cầu giấu tên cho biết, Paris lo ngại nếu tham gia các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu, họ sẽ mất đi “đòn bẩy” có được trong các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng giữa lực lượng Hezbollah và Israel. Pháp đã nỗ lực các hoạt động ngoại giao trong những tuần gần đây để tránh leo thang căng thẳng ở Lebanon.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles tuyên bố, Madrid không tham gia hành động quân sự ở Biển Đỏ vì muốn thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Trung Đông. “Chúng tôi có lý do để không tham gia cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu đối với lực lượng Houthi ở Yemen. Tây Ban Nha sẽ luôn cam kết hòa bình và đối thoại” - Bộ trưởng Robles cho hay.

Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto hồi đầu tuần đã bày tỏ sự miễn cưỡng trong việc tấn công trả đũa lực lượng Houthi tại Biển Đỏ do lo ngại nguy cơ lan rộng cuộc xung đột tại Trung Đông.

Các nước phương Tây đã thể hiện quan điểm khác nhau về cách giải quyết mối đe dọa an ninh từ lực lượng Houthi vào tháng 12 năm ngoái khi Mỹ và và một số đồng minh phát động Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng để bảo vệ an ninh hàng hải tại Biển Đỏ.

Italia, Tây Ban Nha và Pháp chưa đồng ý tham gia Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng với lý do không muốn đặt các tàu hải quân của họ dưới sự chỉ huy của Mỹ.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12/1 đã gọi lực lượng Houthi của Yemen là một nhóm "khủng bố", đồng thời cảnh báo Washington sẽ không do dự thực hiện thêm các biện pháp để bảo vệ dòng chảy thương mại qua Biển Đỏ.

“Đây là thông điệp rõ ràng từ Mỹ rằng, chúng tôi và các đồng minh sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động nào nhằm vào nhân viên của chúng tôi hoặc gây nguy hiểm cho quyền tự do hàng hải”  - Tổng thống Biden tuyên bố hôm 12/1.

Iran và Oman đã chỉ trích Mỹ và Anh sau vụ tập kích vào Yemen hôm 11/1 vừa qua. Trong khi đó, Nga đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về vụ việc.

Cũng trong ngày 12/1, Trung Quốc lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế ở khu vực Biển Đỏ và bày tỏ lo ngại khi căng thẳng leo thang ở khu vực này.

Ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, hối thúc tất cả các bên có liên quan “không làm leo thang” tình hình bất ổn ở Biển Đỏ. Ông Dujarric nhấn mạnh: “Tổng thư ký Liên hợp quốc tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, không leo thang tình hình hơn nữa vì lợi ích hòa bình và ổn định ở Biển Đỏ và khu vực Trung Đông”.

Các vụ tấn công của Houthi trên Biển Đỏ đã gây ra gián đoạn nghiêm trọng đối với thương mại toàn cầu, theo Reuters. Giá dầu Brent đã tăng 4%, giữ ở mức hơn 80 USD/thùng sau thông tin Mỹ, Anh tập kích lực lượng Houthi ở Yemen.