KTĐT - Ngoài nợ công, lục địa già hiện phải đối mặt với nguy cơ khác lớn hơn, là nạn lạm phát, theo Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Trong lúc nợ công vẫn đeo bám, chưa chịu buông tha cho châu Âu, thì lục địa già lúc này lại tiếp tục phải đối mặt với một nguy cơ khác lớn hơn, đó là nạn lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho hay.
Theo thông điệp vừa được ECB phát đi, ngay trước thời điểm mà giới phân tích cho rằng sẽ nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ tháng 7/2008, định chế tài chính châu Âu này coi lạm phát là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế lục địa già, chứ không phải là vấn đề nợ công.
Trong bối cảnh Hy Lạp và Ireland đã phải nhận cứu trợ tài chính quốc tế, còn Bồ Đào Nha đang chịu những sức ép giải cứu tương tự, động thái tăng lãi suất lúc này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, ECB tin rằng, ngân hàng này có thể từng bước thắt chặt chính sách tiền tệ, nhằm tránh tạo ra những tổn thương nghiêm trọng đối với thị trường tài chính. ECB khẳng định đối phó với lạm phát là rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng vật giá leo thang hình xoắn ốc.
Trong tháng 3/2011, tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng Euro (Eurozone) đã tăng lên mức 2,6%, vượt mục tiêu 2% mà ECB đặt ra trong dài hạn, và tỷ lệ này vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tăng trong lúc giá lương thực, năng lượng và hàng loạt mặt hàng khác vẫn đang đi lên.
Các thị trường dự báo, lãi suất mà ECB cho các ngân hàng thương mại vay sẽ tăng thêm 0,25 điểm phần trăm, so với mức lãi suất thấp kỷ lục 1% mà ECB duy trì từ tháng 5/2009 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Một số nhà phân tích còn cho rằng, từ giờ tới cuối năm, ECB có thể tăng lãi suất thêm 2 lần nữa. Chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski tại Ngân hàng Đức ING nói: "Do lạm phát cao hơn và kinh tế đang trên đà phục hồi, đợt tăng lãi suất này của ECB có thể sẽ mở đường cho chu kỳ tăng lãi suất trở lại".
Trong một động thái khá bất ngờ, phát biểu trên truyền hình hôm qua, Thủ tướng tạm quyền của Bồ Đào Nha cho biết, nước này quyết định xin Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cứu trợ, khi chi phí vay mượn đã vượt quá mức chịu đựng, nhất là sau việc Quốc hội Bồ Đào Nha bác bỏ các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Cũng liên quan tới vấn đề lạm phát, hôm qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, khu vực châu Á lúc này cần phải ưu tiên hàng đầu việc kiểm soát lạm phát. Theo ADB, hiện có rất nhiều dấu hiệu cho thấy tỷ lệ lạm phát có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do tốc độ tăng trưởng nóng ở một số nền kinh tế mới nổi.
Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á năm 2011 vừa được công bố, ADB dự báo một số nền kinh tế lớn ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Fiji và Azerbaijan có thể sẽ đạt mức tăng trưởng 7,8% trong năm nay và 7,7% trong năm 2012.
Tốc độ tăng trưởng này mặc dù thấp hơn so với mức 9% của năm 2010, nhưng vẫn đủ sức gây ra những mối lo lớn đối với các nhà hoạch định chính sách cũng như các chuyên gia kinh tế trong khu vực. Bởi lẽ, theo ADB, lạm phát của châu Á có thể chạm 5,3% trong năm nay, vượt xa mức 4.4% trong năm 2010.
Trong số các nước châu Á, Việt Nam và Pakistan có thể đối mặt với mức tăng tỷ lệ lạm phát ở mức 2 con số. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hồng Kông (Trung Quốc), nhà kinh tế Changyong Rhee của ADB cảnh báo, khu vực châu Á có một số dấu hiệu phát triển quá nóng nên cần phải thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
Theo kết quả các cuộc nghiên cứu mới đây, tỷ lệ lạm phát tăng, đặc biệt là tăng giá lương thực, sẽ khiến hàng chục triệu người ở châu Á, vốn đang ở ngưỡng nghèo khổ, rơi vào tình trạng bần cùng. Dự tính, nếu giá lương thực tăng thêm 10% thì châu Á sẽ có thêm 64 triệu người nghèo, chiếm hơn 7% dân số.
Ngoài ra, giá lương thực và tỷ lệ lạm phát tăng cũng sẽ tác động mạnh tới ổn định kinh tế vĩ mô, nới rộng khoảng cách về thu nhập và có nguy cơ dẫn tới căng thẳng xã hội.
Kinh tế Mỹ cho thấy những dấu hiệu phục hồi mới, sau khi Viện Quản lý nguồn cung công bố kết quả khảo sát ở 16 ngành dịch vụ, từ bán lẻ đến y tế, tài chính, vận tải, giáo dục cho thấy, lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng trong tháng 3/2011. Trong đó, chỉ số phi sản xuất (NMI) đứng ở mức 57,3 điểm.
Ngoài ra, cuộc khảo sát còn cho thấy chỉ số về các đơn hàng mới vẫn ở mức cao, 64,1 điểm trong tháng 3. Trong khi, chỉ số thất nghiệp của các tập đoàn giảm từ 55,6 điểm xuống còn 53,7 điểm. Hiện dịch vụ là ngành thu hút khoảng 80% lực lượng lao động phi nông nghiệp của Mỹ.
Cũng liên quan tới kinh tế Mỹ, biên bản về kỳ họp tháng 3/2011 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố ngày 5/4 đã gây ra những tin đồn cho rằng, FED có thể tăng lãi suất cơ bản vào cuối năm nay, do lo ngại lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, theo một quan chức của FED, lạm phát của Mỹ vẫn ở mức có thể kiềm chế được.
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mặc dù chịu tác động mạnh từ trận động đất và sóng thần kinh hoàng hôm 11/3, nhưng nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 3 năm nay, nhờ động lực từ hoạt động tái thiết đất nước.
OECD ước tính, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản có thể giảm 0,22 - 0,6 điểm phần trăm trong quý 1 và tiếp tục giảm 0,5 - 1,4 điểm phần trăm trong quý 2, do những tác động từ thiên tai lên hoạt động sản xuất, cũng như ảnh hưởng từ việc thiếu điện, đình trệ các dây chuyền cung ứng.
Tuy nhiên, hoạt động tái thiết có thể bắt đầu khá nhanh và sẽ đem lại động lực tăng trưởng kinh tế sớm nhất trong quý 3/2011. OECD cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế của G7, không tính Nhật Bản, sẽ nhanh hơn dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2011 với tốc độ trung bình 3%/năm.