Brussels đang tiến hành kiểm kê số lượng vũ khí mà các thành viên EU đã viện trợ cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này, trước những lo ngại về việc một số quốc gia trong khối tỏ ra thờ ơ đối với Kiev.
Sự suy giảm viện trợ tài chính và quân sự của phương Tây cho Ukraine trong thời gian gần đây khiến nước này gặp khó trong các cuộc phản công chống lại Nga, đồng thời làm dấy lên lo ngại về việc phương Tây đang mất dần động lực khi cuộc chiến kéo dài.
Cuộc kiểm toán diễn ra trong bối cảnh Brussels và Washington đang nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận về việc ký kết các gói hỗ trợ tài chính mới cho Kiev có giá trị lên đến 110 tỷ USD.
Những mâu thuẫn trong Quốc hội Mỹ đã cản trở nước này thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất. Khoản tiền này giúp Washington có thể tiếp tục triển khai các đợt viện trợ quân sự cho Kiev.
Theo một vài nguồn tin, việc kiểm kê số lượng vũ khí được thực hiện bởi Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) và sẽ được trình bày tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU vào ngày 1/2 tới.
Một số quan chức châu Âu cho biết EEAS sẽ tiến hành kiểm toán dựa trên dữ liệu nhận được từ các quốc gia thành viên – động thái có thể bị một số nước phản đối. Quyết định kiểm toán dựa trên đề xuất của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tuần trước, khi nguyên thủ này cho rằng số lượng vũ khí mà các thành viên EU cung cấp cho Ukraine cho đến nay là quá nhỏ so với kế hoạch.
Trả lời với báo giới vào hôm thứ Hai tuần trước, ông Scholz cho biết: “Chúng tôi cần có đánh giá tổng quan về những hỗ trợ mà các nước châu Âu dành cho Ukraine trong năm nay”. Không chỉ Thủ tướng Đức, nhà lãnh đạo của các nước EU khác cũng từng đề cập đến điều này.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, tính đến ngày 31/10 năm ngoái, Đức đứng đầu về các cam kết vũ khí cho EU, với tổng giá trị lên đến 17 tỷ euro, gấp 5 lần quốc gia đứng thứ hai là Đan Mạch.
Thủ tướng Scholz đã công khai chỉ trích các nước lớn khác trong EU như Pháp hay Ý do các cam kết quân sự thấp hơn nhiều so với khả năng thực sự của họ. Lời kêu gọi cần minh bạch trong các khoản viện trợ của người đứng đầu Berlin đã nhận được sự tán thành của nhiều quan chức cấp cao ở Brussels, những người cho rằng nhiều quốc gia có thể tiếp tục viện trợ thêm cho Kiev trong thời điểm quan trọng hiện nay.
Ngoài Đức, một vài nước EU khác cũng đang thúc đẩy việc phát triển Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF), quỹ chung tài trợ một phần cho việc vận chuyển vũ khí đến Ukraine, để gia tăng nguồn cung và giảm bớt gánh nặng chi phí.
Tuy nhiên, EU đang gặp khó khi EPF, quỹ dành cho các dự án liên quan đến quốc phòng, đã không được củng cố kể từ tháng 6/2023 và nhiều thành viên của khối tán thành việc hỗ trợ 5 tỷ euro/năm cho Ukraine.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết: “Chúng tôi phải đảm bảo EPF hoạt động đúng hướng và sử dụng nó để hỗ trợ thêm cho Ukraine. Nếu không có quỹ này, một số nước thành viên sẽ không cung cấp cho Ukraine bất kỳ một khoản viện trợ quân sự nào”.
“Hầu hết các quốc gia thành viên đều tỏ ra ngần ngại trong việc phải gia tăng hỗ trợ cho Ukraine, nhất là ở những thời điểm then chốt như lúc này”- Quan chức này cho biết thêm.