Tuần trước, Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận của quan chức châu Âu, phần lớn là những lo ngại nếu ứng cử viên của Đảng Cộng hòa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới.
Điều này đến từ mối quan hệ không mấy tốt đẹp của ông Trump đối với EU trước đây, với việc cựu tổng thống Mỹ từng dành phần lớn nhiệm kỳ của mình để chỉ trích các quan chức khối này, phê phán họ chỉ biết “dựa dẫm” vào tầm ảnh hưởng sâu rộng của Mỹ cũng như không đáp ứng được mục tiêu chi 2% dành cho quốc phòng của NATO. Ứng cử viên của đảng Cộng hòa cũng không tán thành việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Thậm chí, Ủy viên châu Âu về Thị trường nội bộ Thrierry Breton tiết lộ ông Trump đã từng nói với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vào năm 2020 về việc Mỹ sẽ phớt lờ ngay cả khi EU bị tấn công.
Phát biểu của ông Breton được đưa ra trong bối cảnh cả châu Âu và Mỹ đang đối mặt với những sự kiện chính trị có tác động lớn, như: cuộc vận động bầu cử tổng thống tại bang Iowa, Mỹ hay đề xuất của ông Breton về quỹ 100 tỷ euro dành cho sản xuất đạn dược trên toàn EU. Các quan chức châu Âu cho biết khối này đang nỗ lực gia tăng khả năng phòng thủ của riêng mình, trước tình trạng cạn kiệt vũ khí do phải hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Trả lời phỏng vấn của CNN, một quan chức cấp cao của EU cho biết: “Nếu ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, chúng tôi cho rằng Mỹ sẽ bỏ mặc châu Âu trong một số trường hợp, nhất là khi điều này có thể đi ngược lại với lợi ích của nước này”.
Những quan ngại này hoàn toàn phù hợp với thực tế khi ông Trump đang trở thành một ứng viên tiềm tàng trong cuộc đua trở lại Nhà Trắng, hay đơn cử là việc chính phủ dưới thời ông Biden vẫn duy trì chính sách nước Mỹ trên hết của người tiền nhiệm, đặc biệt là về thương mại và Trung Quốc. Theo đó, các quan chức nhận định rằng châu Âu cần phải chuẩn bị cho một tương lai không có Mỹ.
Theo các chuyên gia, nếu không nhận được sự hỗ trợ của Washington như trước, EU chắc chắn sẽ gặp khó dù khối này đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc và các quốc gia đơn lẻ, chẳng hạn về thương mại.
Ian Bond, phó giám đốc tại Trung tâm nghiên cứu cải cách châu Âu cho biết: “Không có biện pháp giảm thiểu rủi ro nào có thể bù đắp những tổn thất nếu hàng hóa châu Âu không tiếp cận được thị trường Mỹ”.
Không những vậy, việc phải dồn toàn lực để ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như liên tục viện trợ vũ khí và hàng tỷ euro cho Kiev đang khiến nguồn lực của EU dần cạn kiệt, dẫn đến sự phụ thuộc của khối đối với nền kinh tế số một thế giới ngày càng tăng.
Xét cho cùng, dù là về thương mại hay quốc phòng, mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu khó có thể tách rời trong một sớm một chiều.
Theo các chuyên gia, việc đối phó với những thách thức đến từ ông Trump sẽ khó khăn hơn việc đối phó với Trung Quốc hay Nga, do Mỹ không phải là đối thủ trực tiếp của châu Âu.
Washington là đồng minh thân thiết cũng như duy trì quan hệ hợp tác quân sự - kinh tế khăng khít với EU. Do vậy, khối 27 nước khó có thể thực hiện các biện pháp đối đầu như trừng phạt kinh tế hay tăng cường hiện diện quân sự để bảo vệ lợi ích của mình. Bên cạnh đó, việc sử dụng các đường lối ngoại giao nhằm chống lại ông Trump cũng rất phức tạp do bất kỳ động thái chỉ trích nào cũng có nguy cơ dẫn đến những phản ứng thái quá.
Trước những khó khăn trên, một số nhà ngoại giao cho biết các tốt nhất để đối phó với ông Trump nếu cựu tổng thống giành chiến thắng trong năm nay là giữ bình tĩnh và tiếp tục duy trì khoảng cách giữa châu Âu và Mỹ.
“Lần trước, chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết hậu quả mỗi khi ông Trump đưa ra phát ngôn của mình. Tuy nhiên, theo một cách khá thường xuyên, ông ấy không hành động theo những gì mình nói” – Một quan chức EU cho biết.