Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu tiếp tục "khát" LNG từ Nga?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số lượng các lô hàng LNG xuất sang châu Âu đã tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11.

RT dẫn Nhật báo kinh doanh Kommersant hôm 4/12 trích dữ liệu của Kpler đưa tin, lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga xuất khẩu sang châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại là 1,75 triệu tấn trong tháng 11/2023.

Tàu vận chuyển LNG Transgas Force đang neo đậu tại cảng Kaiserhafen Drei gần nhà máy đóng tàu Lloyd ở thành phố Bremerhaven, Đức. Ảnh: Getty 
Tàu vận chuyển LNG Transgas Force đang neo đậu tại cảng Kaiserhafen Drei gần nhà máy đóng tàu Lloyd ở thành phố Bremerhaven, Đức. Ảnh: Getty 

Kỷ lục trước đó được xác lập vào tháng 12/2022, với việc Nga xuất khẩu 1,737 triệu tấn LNG sang khu vực này. 

Trong đó, lượng lớn nhất trong tháng 11 được cho là xuất sang Pháp và Bỉ, các nước này nhập LNG từ những doanh nghiệp ở bán đảo Yamal và thị trấn Vysotsk, hiện được vận hành bởi Novatek, nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai của Nga.

Tổng cộng lượng LNG xuất khẩu của Nga tới thị trường toàn cầu lên tới 2,914 triệu tấn trong tháng 11, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, việc giao LNG của Nga sang Trung Quốc đã giảm mạnh xuống 0,1 triệu tấn, so với 0,8 triệu tấn của tháng trước.

Theo chuyên gia năng lượng độc lập Aleksandr Sobko, hợp đồng khí đốt tương lai của Cơ quan chuyển giao quyền sở hữu Hà Lan (TTF) cho các đợt giao hàng tháng 11 có giá tương đương nhau hoặc được giao dịch cao hơn nguồn cung LNG giao ngay cho châu Á trong một số ngày.

Nhà phân tích này nói thêm rằng thị trường châu Âu đang trở nên hấp dẫn hơn do chi phí vận chuyển đến khu vực từ Yamal thấp hơn đáng kể. Chuyên gia Sobko lưu ý rằng CNPC của Trung Quốc, công ty mua LNG từ Yamal, trước đây từng chuyển hướng một số lô hàng từ Nga sang các thị trường có lợi nhuận cao hơn, đồng thời bù đắp khối lượng này cho thị trường Trung Quốc từ các nguồn khác.

Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler, nhấn mạnh việc Trung Quốc giảm nhập khẩu LNG trong tháng 11, cho biết việc chuyển hướng nguồn cung của Nga không phải do nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu, mặt khác bắt nguồn từ sức hấp dẫn ngày càng tăng của thị trường châu Âu.

Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục nhập LNG của Nga từ dự án Sakhalin-2 theo hợp đồng dài hạn với Gazprom. Nguồn cung sang Nhật Bản trong tháng 11 tăng 22% so với cùng kỳ lên 0,64 triệu tấn, trong khi nhập khẩu vào Hàn Quốc tăng 50% lên 0,28 triệu tấn.

Trong khi đó, Reuters cũng dẫn dữ liệu từ Kpler cũng cho thấy, lượng xuất khẩu LNG của Nga dọc theo khu vực phía đông của Tuyến đường biển phía Bắc sang châu Á duy trì mức tương tự như năm ngoái trong mùa hàng hải năm 2023.

Cụ thể, Novatek đã vận chuyển tổng cộng 31 lô hàng LNG, tương đương 2,27 triệu tấn, từ dự án Yamal LNG đến châu Á trong mùa hàng hải năm 2023. 

Các chuyến hàng của công ty vào năm 2023 tương đương với năm ngoái, khi công ty cung cấp 2,26 triệu tấn LNG qua khu vực phía đông của Tuyến đường biển phía Bắc tới châu Á.

Sản lượng LNG của Nga năm nay dự kiến đạt 30 triệu tấn, tương đương 8% toàn cầu, giảm so với mức khoảng 33 triệu tấn vào năm 2022, chủ yếu do bảo trì tại Yamal LNG.

Nga có kế hoạch tăng sản lượng LNG lên khoảng 100 triệu tấn hàng năm vào năm 2030 và chiếm 20% thị phần LNG toàn cầu.

Kế hoạch này có khả năng bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ đối với dự án LNG 2 ở Bắc Cực, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay, hãng tin Reuters cho biết.