Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu trước chủ nghĩa khủng bố: Dành sức cho cuộc chiến dài hơi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những vụ tấn công khủng bố ở TP Barcelona, thị trấn Cambrils (Tây Ban Nha) hay ở Turku (Phần Lan) và TP Surgut, vùng Siberia (Nga)… khiến nhiều người thương vong cho thấy, vẫn chưa có hồi kết đối với chủ nghĩa khủng bố.

Nhân viên y tế và cảnh sát được tăng cường trong khu vực nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở TP Barcelona. 

Chỉ trong vòng 3 ngày cuối tuần qua, tại châu Âu đã liên tiếp xảy ra các vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng. Hai vụ tấn công khủng bố tại TP Barcelona và thị trấn Cambrils của Tây Ban Nha đã khiến 14 người thiệt mạng, trong đó có 13 nạn nhân ở Barcelona và hơn 100 người khác bị thương. Ngoài ra, cảnh sát Phần Lan đã bắn hạ và bắt giữ một người đàn ông dùng dao tấn công nhiều người khác ở TP Turku, trong số các nạn nhân có phụ nữ và trẻ em. Còn tại Nga, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ tấn công bằng dao khiến 8 người bị thương ở TP Surgut.

Những vụ tấn công xảy ra gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp thiết về lỗ hổng an ninh tại châu Âu cùng những nguy cơ từ các đối tượng cực đoan được các tổ chức kiểu IS huấn luyện thành phần tử khủng bố. Dường như châu Âu đang trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết khi phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào bởi những hình thức và đối tượng ít ai ngờ tới. Để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố, chính quyền các nước khu vực châu Âu cũng cần xem xét lại vấn đề an ninh xung quanh các trung tâm du lịch và thương mại ở các TP. Cảnh giác hơn trong việc tăng cường an ninh tại các địa điểm tập trung đông người, sự kiện thể thao, lễ hội, hòa nhạc…

Trước tình trạng gia tăng các vụ tấn công khủng bố, một số nước châu Âu đã quyết định sử dụng biện pháp đối phó thô sơ song hiệu quả, bao gồm lập hàng rào, cột bê tông, hay bao cát… Tại Anh, chỉ vài ngày sau khi 3 phần tử cực đoan dùng xe tải làm vũ khí trên cầu London khiến 8 người thiệt mạng, chính quyền TP đã dựng hàng rào tại 3 chiếc cầu ở khu vực trung tâm. Chính phủ Anh cũng lắp đặt cột bê tông phía ngoài cung điện Windsor, nơi ở của Nữ hoàng Elizabeth.

Trong khi đó, để đối phó với mối đe dọa này, nhà chức trách Pháp đã dựng các cột bê tông nhằm tách làn xe ô tô và người đi bộ tại những điểm du lịch nổi tiếng và đông người, chẳng hạn như đại lộ Champs-Elysées hoặc trung tâm TP Strasbourg. Dọc theo bờ sông Seine, xe cảnh sát được dùng làm rào chắn tại một số điểm chốt và chỉ cho xe cứu thương đi qua. Không dùng bê tông, TP Brussels sử dụng túi cát. Mỗi túi cát nặng 1 tấn, được đặt khắp TP. Theo lực lượng cảnh sát địa phương, đây là một trong những phương pháp được áp dụng sau khi IS đánh bom TP vào năm 2016.

Cuộc đấu tranh với các nhóm theo chủ nghĩa khủng bố sẽ luôn là một cuộc xung đột kéo dài đòi hỏi sự dũng cảm và kỳ vọng thực tế về an ninh trong một xã hội tự do. Như vậy, chính quyền các nước phương Tây phải ngừng tìm kiếm một chiến thắng hoàn toàn và phải khôn ngoan hơn nữa trong việc dành nguồn lực cho một cuộc chiến dài hơi.