Trong đó, tính chất phức tạp chủ yếu liên quan đến các tranh chấp về tài sản chung, riêng như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu trong các công ty.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Hải cho biết, một số nội dung của Luật vẫn còn thiếu tính khả thi như trong áp dụng tập quán, trong hoàn thiện cơ chế đồng bộ, thống nhất, minh bạch trong đăng ký tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng và giao dịch liên quan.
Một số quy định có tính tiến bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhưng do còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố tập quán, văn hóa truyền thống nên còn có nhận thức khác nhau trong triển khai thi hành như chế độ tài sản theo thỏa thuận, thanh toán tài sản dựa trên cơ sở lỗi khi ly hôn...
Về chế độ tài sản của vợ chồng, Luật Hôn nhân & Gia đình đã bổ sung quy định vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc theo luật định để bảo đảm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau và với gia đình, bảo đảm an toàn pháp lý, ổn định trong các giao dịch, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba...
Tuy nhiên, một số vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện làm rõ hơn.
Cụ thể là cơ chế công khai về thỏa thuận của vợ chồng trong xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận. Các loại tài sản khác, các quan hệ nghĩa vụ, hợp đồng được quy định tại các luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể về đất đai, chứng khoán, vốn góp tại DN, đối tượng sở hữu trí tuệ cần được quy định cụ thể hơn về sở hữu của vợ chồng trong quan hệ liên quan.
Ông Nguyễn Văn Vụ (TAND Tối cao) cho hay, các vụ việc về hôn nhân và gia đình ngày càng tăng về số lượng cũng như mức độ phức tạp, gay gắt. Các vụ việc ly hôn có xu hướng diễn ra ở các cặp vợ chồng trẻ (độ tuổi từ 28 - 35), thời gian kết hôn ngắn. Tính chất gay gắt, phức tạp chủ yếu liên quan đến các tranh chấp về tài sản chung, riêng như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu trong các công ty hoặc về con chung, mức độ cấp dưỡng…
Dẫn chứng về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn (Điều 59 Luật Hôn nhân & Gia đình), ông Vụ cho rằng, Luật chưa có quy định cụ thể về hoàn cảnh của mỗi bên, tỷ lệ chia tài sản theo công sức đóng góp dẫn đến việc giải quyết vụ án gặp khó khăn.
Theo đó, Luật quy định tài sản của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như lỗi của mỗi bên trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Điều luật này được hiểu nếu bên nào có lỗi thì khi ly hôn tài sản được chia sẽ ít hơn nhưng thực tế, quy định này khó áp dụng.
Liên quan đến những vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị TAND Tối cao nghiên cứu kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn áp dụng hoặc công bố án lệ đã được thống nhất xem xét áp dụng trong ngành Tòa án.
Cùng đó, các ban, bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp hơn nữa nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định của Luật, để giúp những quy định của Luật phát huy hiệu quả trong thực tế.