Tuy nhiên theo Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ TT&TT) Nguyễn Thiện Nghĩa, những con số trên chủ yếu là đóng góp từ khối DN FDI.
Đứng cuối chuỗi giá trị
Khối ngoại đang chiếm đến 95% kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử, nếu chỉ tính riêng mảng phần cứng thì đã có tới 99% các thiết bị điện tử viễn thông tại Việt Nam đang sử dụng là nhập khẩu từ nước ngoài. “Thực tế, các DN điện tử của Việt Nam không chỉ nhỏ về quy mô mà công nghệ cũng đang ở mức rất hạn chế.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp điện tử, Chính phủ và Bộ TT&TT đã triển khai chiến lược Make in Vietnam với trọng tâm là thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, đây được xem là cột mốc quan trọng cho sự thay đổi của ngành này”- ông Nguyễn Thiện Nghĩa chia sẻ.
Trong khi đó, theo chuyên gia của Bộ Công Thương Phạm Hải Phong, các DN điện tử Việt, đặc biệt là các đơn vị cung cấp linh kiện điện tử đang ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm. Các DN thường chỉ thực hiện những hạng mục có giá trị gia tăng thấp nhất như sản xuất, lắp ráp. Trong khi đó những khâu quan trọng mang lại cả lợi ích về kinh tế lẫn chất xám như R&D, thiết kế, xây dựng thương hiệu, bán hàng… lại đều được DN ngoại phụ trách.
Về phía góc độ DN điện tử, đại diện Hiệp hội DN điện tử Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, ngành này ở Việt Nam đang trong tình trạng thâm dụng lao động khi phần lớn nhân công đều tập trung vào khâu lắp ráp. Mặc dù muốn phát triển lên các bậc thang cao hơn nhưng DN Việt lại gặp khó với nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như năng lực công nghệ.
Cũng chính vì vậy nên tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử đang ở mức rất thấp, chỉ từ 5 -10%. Do đó, ngay cả những sản phẩm điện tử đang được lưu hành ở Việt Nam đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp hầu hết từ linh kiện nhập khẩu. Với các sản phẩm này, DN Việt chỉ đóng vai trò ở những khâu như đóng gói sản phẩm, làm sách hướng dẫn, sản xuất linh kiện nhựa… Trong khi các sản phẩm có giá trị gia tăng cao lại thuộc về DN nước ngoài.
Không chỉ vậy, DN điện tử trong nước cũng đang gặp nhiều thách thức và cạnh tranh cao từ chính các DN FDI hoạt động cùng lĩnh vực. "Có một thực tế từ nhiều năm nay là DN Việt luôn bị tụt hậu so với DN ngoại khi họ được hưởng rất nhiều ưu đãi như không phải chịu thuế nhập khẩu nếu kê khai là DN chế xuất. Đây chính là lợi thế lớn để DN FDI này tham gia đứng đầu chuỗi sản xuất của một DN ngoại ở Việt Nam"- bà Đỗ Thị Thúy Hương chia sẻ.
Thúc đẩy chiến lược Make in Vietnam
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do FTA, cùng với đó hàng rào thuế quan đã bị cắt giảm nhiều, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử hầu hết có thuế suất thuế nhập khẩu 0%. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều nguyên liệu vật tư linh kiện để sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử khi nhập về Việt Nam bị áp thuế từ 5 - 20%. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc và nguyên liệu vật tư linh kiện dẫn đến các sản phẩm sản xuất trong nước thiếu cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu về chi phí sản xuất.
Để có những hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của DN điện tử trong nước, đặc biệt là trong khâu nghiên cứu, phát triển, sản xuất sản phẩm phần cứng điện tử có giá trị Việt cao, Thông tư 25/2022/TT-BTTTT (Thông tư 25) về “xác định nguyên liệu vật tư linh kiện nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm” đã chính thức có hiệu lực được xem là giải pháp rất kịp thời.
Theo đó, nguyên liệu, vật tư, linh kiện sẽ được miễn thuế nhập khẩu cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm nếu đáp ứng các tiêu chí: thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BTTTT ngày 3/12/2021; Không thuộc Danh mục máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện ngành viễn thông - CNTT, nội dung số, phần mềm trong nước đã sản xuất được tại phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT.
Đây là chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ các DN điện tử trong nước sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, giải quyết bất cập chênh lệch về thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc thấp hơn thuế nhập khẩu nguyên liệu vật tư linh kiện. Không những thế, Thông tư 25 còn giúp DN không phát sinh thêm thủ tục hành chính và thu hút đầu tư DN sản xuất. Đây cũng là giải pháp nhằm thúc đẩy chiến lược Make in Vietnam.