KTĐT - Tuần qua, các cuộc không kích của NATO đã nhằm vào nhiều khu vực quân sự và dân sự ở thủ đô Tripoli và các thành phố khác của Libya khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương.
Đặc biệt, quân đội Mỹ đã xác nhận đợt không kích đầu tiên tại Libya của máy bay Predator không người lái. Trong khi đó, Nga và Hy Lạp đã có các cuộc thảo luận với chính phủ Libya về việc thực thi một lệnh ngừng bắn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 23/4 cho biết, Moscow có thể gửi các quan sát viên tới để giám sát một lệnh ngừng bắn và mở đường cho một giải pháp hòa bình tại quốc gia Bắc Phi này. Ngoại trưởng Hy Lạp George Papandreou cũng tái khẳng định cam kết của Libya đối với các nghị quyết của LHQ đồng thời nhất trí với sáng kiến hòa bình của Liên minh châu Phi.
Tại Yemen, các cuộc biểu tình chống chính quyền kéo dài trong nhiều ngày qua đã khiến gần 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Trước tình hình đó, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã đề xuất kế hoạch nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị tại quốc gia này. Theo đó, trong vòng 30 ngày, Tổng thống Ali Abdullah Saleh phải chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống và tuyên bố từ chức nhằm đổi lấy quyền miễn truy tố cho bản thân và gia đình. Hiện, cả Đảng cầm quyền và phe đối lập đều tuyên bố chấp thuận sáng kiến của GCC. Tại Syria, ngày 23/4, bạo lực tiếp tục bùng phát làm 13 người thiệt mạng. Trước diễn biến tại Syria, lãnh đạo các quốc gia như Nga, Mỹ, Pháp, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ,... và nhiều tổ chức quốc tế đã lên án chính quyền Syria sau các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ sự quan ngại và yêu cầu điều tra độc lập và làm sáng tỏ vụ việc này. Ông tin tưởng rằng đối thoại toàn diện, thực hiện cải cách là giải pháp duy nhất đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Syria và đảm bảo hoà bình, trật tự xã hội.
Sáng 24/4, quân đội Thái Lan và Campuchia tiếp tục đấu pháo ở biên giới, gần đền Ta Mon Thom và đền Ta Krabey, tỉnh Oddar Meanchey (Campuchia). Đây là ngày thứ 3 liên tiếp quân đội hai nước đụng độ sau một thời gian tạm lắng. Những cuộc đụng độ này đã khiến ít nhất 10 binh sỹ hai nước thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải sơ tán. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 23/4 kêu gọi các bên đàm phán để tìm ra một giải pháp lâu dài. Với tư cách là nước Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2011, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, ông Marty Natalegawa đã yêu cầu Campuchia, Thái Lan ngừng ngay các hành động thù địch và giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Chiều 23/4, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Campuchia Samdech Hunsen, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến phức tạp trên biên giới Campuchia - Thái Lan. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam là láng giềng của cả Campuchia và Thái Lan, đồng thời cũng là thành viên của ASEAN, Việt Nam mong hai bên cần hết sức kiềm chế, tránh xung đột vũ trang, tiếp tục giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam kêu gọi Campuchia và Thái Lan nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết tại cuộc họp không chính thức giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Jakarta, Indonesia ngày 22/2/2011, không để tình hình diễn biến phức tạp.