Chinh phục các mục tiêu 2020
Kế thừa những kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán NSNN năm 2020, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 và Chiến lược 10 năm 2011 – 2020, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” với 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành nêu trong Nghị quyết 01.
Không chỉ với 2 Nghị quyết nêu trên, hành trình cải cách của Việt Nam cần được đặt vào cuộc đua toàn cầu về năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh. "Cỗ xe" thể chế với rất nhiều bánh xe, rất nhiều khớp nối nhưng sẽ rất thuận lợi cho phát triển nếu các bánh xe này khớp nhau. Chúng ta phải phát triển thành thể chế kim cương. Có nghĩa là thể chế phải trong sạch, minh bạch như kim cương, nhưng cũng phải ổn định, vững chắc như kim cương. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc |
Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Thứ hai, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất. Thứ ba, phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Thứ tư, thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thứ năm củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Cuối cùng là chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tổ chức tốt các sự kiện, lễ kỷ niệm lớn của đất nước.
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, dự toán NSNN 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Nghị quyết 02/NQ-CP đặt mục tiêu tăng 10 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh; Năng lực cạnh tranh 4.0 tăng 5 bậc; Đổi mới sáng tạo tăng 3 - 4 bậc; Chính phủ điện tử tăng 10 - 15 bậc, hướng tới mục tiêu vào Top 4 của ASEAN bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của WB. Nghị quyết 02 được xây dựng và soạn thảo dựa trên những quan điểm và nguyên tắc: Tiếp tục thực hiện nhất quán, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019; xác định rõ các mục tiêu cải cách cho năm 2020 trên cơ sở tính toán giữa kết quả đạt được năm 2019 và mục tiêu đến năm 2021.
Không đẩy khó cho doanh nghiệp
Năm 2019, thực hiện Nghị quyết 01, 02 kinh tế, xã hội cả nước đạt kết quả toàn diện, là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu, nhất là cải thiện đời sống Nhân dân. Tuy vậy, năm 2019, kinh tế, thương mại thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm; xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Ở trong nước, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội...
Ngay tại hội Nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, quy mô nền kinh tế càng lớn thì tăng trưởng càng khó. "Tuy nhiên, dư địa phát triển rất nhiều, phải tận dụng và phát huy được. Việt Nam còn nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng. Điều đặt ra là các bộ, ngành tiếp tục xác định rõ tiềm năng ở đâu, dư địa ở lĩnh vực nào còn” -Thủ tướng nhấn mạnh.
Môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2020 sẽ có những thay đổi tích cực và quan trọng là thực chất. Chính phủ đã đặt ra những yêu cầu cụ thể để bảo đảm việc này. Cộng đồng kinh doanh đang chờ đợi. Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện CIEM Nguyễn Minh Thảo |
Nghị quyết 01 tiếp tục nêu rõ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực, một bứt phá cho tăng trưởng kinh tế sắp tới. Theo Văn phòng chính phủ (VPCP) năm 2019, số DN thành lập mới đạt kỷ lục với hơn 138.000, nhưng số DN đóng cửa, tạm dừng, số DN khó khăn khi tiếp cận với đất đai, tín dụng… còn cao. Tinh thần Nghị quyết 01 là “Cần khai thông, giải phóng tối đa mọi nguồn lực, xây dựng nền kinh tế tự cường. Phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 1 triệu DN”.
Chính phủ Việt Nam kiên định và quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế; Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, ứng dụng kỹ thuật số; Hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo để quy tụ nhân tài và kết nối với các trung tâm công nghệ lớn trên thế giới. Đột phá trong áp dụng CMCN 4.0 trong năm 2020, đó là chính phủ điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, tài chính thông minh, thương mại điện tử, khởi nghiệp sáng tạo… Đây là yếu tố then chốt cơ cấu lại nền kinh tế, là dư địa tăng trưởng tốt.
Nói về xây dựng chính phủ số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 100% các tỉnh, thành phải xây dựng trục kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh và kết nối vào trục quốc gia. Năm 2020, tất cả các tỉnh, thành và bộ, ngành sẽ kết nối liên thông với nhau, chia sẻ dữ liệu với nhau, cung cấp nhiều dịch vụ công cấp độ 4. “Ít nhất 30% dịch vụ công phải được thực hiện trực tuyến cấp độ 4, tức là cung cấp hoàn toàn trên mạng”.
Hành động có trách nhiệm
Đặc biệt cả hai Nghị quyết theo hướng cải cách, đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để quyết liệt thực hiện trong năm 2020, “xoáy” vào khâu tổ chức thực hiện, một khâu còn nhiều yếu kém thời gian qua. “Giải pháp rõ hơn, có chế tài mạnh, quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Không tạo sức ép mạnh từ trên xuống thì không thể lay động”- Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nói đồng thời nhấn mạnh: “Tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, hành động từ Chính phủ đến các cấp, các ngành, địa phương phải được phát huy mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp cả nước”. Năm 2020 khắc phục được các bất cập về điều kiện kinh doanh. Với điều kiện kinh doanh liên quan tới nhiều bộ thì phân công một bộ làm đầu mối quản lý. "Chúng ta bắt tận tay, chỉ rõ địa chỉ và đưa lên báo chí; không để tự tiện ban hành, phải làm mạnh mẽ"- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh.
Đơn cử, trong Nghị quyết 02/2020/NQ-CP, trong quý I/2020, việc cập nhật và công bố các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hoá phải hoàn tất. Để làm được việc này, các bộ, ngành liên quan sẽ phải rà soát và gọi tên từng điều kiện kinh doanh, từng thủ tục hành chính đã thay đổi, trên cơ sở đó công khai trên cổng thông tin của các bộ, ngành. Yêu cầu này sẽ buộc các cơ quan liên quan phải rà soát tổng thể hệ thống văn bản để đạt mục tiêu cuối cùng là không còn thủ tục trên trong thực tế. “Tôi mừng vì Chính phủ đã chấp nhận đề xuất này, đưa vào Nghị quyết. Bức tranh đầy đủ về điều kiện kinh doanh sẽ có trong quý I này” - bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) hồ hởi. Đây chính là cách mà Nghị quyết 02/2020/NQ-CP thúc đẩy các bộ, ngành vào cuộc thực chất”- bà Thảo chia sẻ quan điểm.
Được biết, VPCP sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh để triển khai ngay việc cắt giảm một cách thực chất điều kiện đầu tư kinh doanh trong năm 2020.