Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ kiến tạo, đồng hành, doanh nhân phải tiến lên

theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Thủ tướng và Chính phủ đã "thắp lửa", Chính phủ sẽ đồng hành nhưng doanh nghiệp phải tiến lên, sản xuất kinh doanh có bài bản, minh bạch, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng.

Cộng đồng doanh nghiệp nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đất nước từ bức thư Bác Hồ gửi giới công thương Việt Nam: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”.  Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng ta xác định: “Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng nòng cốt đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp mà Thủ tướng là kiến trúc sư, đã khẳng định: “Doanh nghiệp là động lực phát triển đất nước”…
Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh Thủ tướng và Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay sau khi được giao trọng trách đã giành thời gian để gặp gỡ doanh nghiệp doanh nhân vào cuối tháng 4 vừa qua.  Không phải ngẫu nhiên mà chọn chính dịp 30/4-1/5 để tổ chức việc đó tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM. Đây chính là nơi chúng ta cắm cờ để kết thúc chiến tranh để thống nhất hoàn toàn đất nước trước đây. Ngày nay, đây cũng chính là nơi Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp cũng sẽ tạo sự thống nhất, đồng thuận trong việc thúc đẩy cải cách cho giai đoạn mới.
Việc Thủ tướng gặp doanh nghiệp vào ngày 30/4 và 1/5/2016 tại Dinh Thống nhất với hàm nghĩa tạo ra sự thống nhất và cải cách trong giai đoạn mới, cải cách phải làm với tinh thần thần tốc và táo bạo. Thực tế, Chính phủ mới cũng làm với tinh thần như vậy.
Tiếp theo thông điệp xây dựng một Chính phủ liêm chính, quyết tâm hành động, một Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng đã thay mặt Đảng và Nhà nước, lại thắp sáng Ngày Doanh nhân bằng khẩu hiệu “Liên kết doanh nhân Việt. Đoàn kết- Đổi mới - Sáng tạo”.
Với các kết quả đạt được, chắc chắn năm 2016 sẽ đi vào lịch sử, là năm đầu tiên số lượng doanh nghiệp được thành lập mới ở Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp. Niềm tin của giới kinh doanh đang được khơi dậy.
Mặc dù vậy, cộng đồng doanh nhân hiểu chặng đường cải cách còn rất gian nan. Để lời nói có thể thành hành động, để nghị quyết có thể đi vào cuộc sống đòi hỏi một quyết tâm chính trị rất cao. Thủ tướng và Chính phủ đã thắp lửa, nhưng quan trọng không kém là việc truyền lửa tới mọi cấp chính quyền. Hiện nay trong bộ máy hành chính có người làm bằng tâm, thực hiện trách nhiệm đối với doanh nghiệp, nhưng cũng có người hành hạ doanh nghiệp, gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, cũng có cán bộ hoàn thành với bổn phận, chức trách của mình không phải bằng cái tâm. Thách thức lớn nhất của Chính phủ không chỉ nằm ở Chính phủ Trung ương mà là của chính quyền địa phương, theo đó phải tạo chuyển biến của đội ngũ cán bộ, các công chức ở từng cơ sở, quận, huyện, xã, phường.
Do đó, cần làm sao để sức nóng và sự thôi thúc của cải cách có thể đến được các cấp cơ sở, để tinh thần vì dân và doanh nghiệp phải trở thành văn hóa và hành vi hàng ngày của họ là việc không mấy dễ dàng. 
Thực tế, Việt Nam đã có một cộng đồng doanh nghiệp phát triển khá nhanh, tuy đã đông nhưng chưa đủ mạnh. Cần nhìn vào sự thật rằng, sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp với những thương hiệu đạt đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới. Xét về tổng tài sản, một số doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn của Việt Nam đã được thế giới vinh danh, nhưng nhìn chung về hiệu quả và chất lượng thì còn nhiều việc phải bàn. Các “đại gia” của ta tới nay chủ yếu hoạt động trong khu vực tài chính ngân hàng, bất động sản và xây dựng...
Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tính bài bản và chuyên nghiệp còn thấp so với các chuẩn mực toàn cầu. Hộ kinh tế gia đình vẫn là chủ thể kinh tế phổ biến trong khu vực nông nghiệp, nông thôn…
Trước áp lực của hội nhập và cuộc cách mạng công nghệ số, muốn tiếp tục trụ vững và phát triển, cấu trúc và quản trị của hệ thống doanh nghiệp Việt phải thay đổi.
Trong nền nông nghiệp phải có sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn, và toàn bộ hệ thống doanh nghiệp phải chuyển mình theo định hướng đổi mới, sáng tạo.
Vị thế địa kinh tế, tài nguyên và lao động rẻ sẽ không còn là lợi thế của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Vì vậy, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, chủ động tái cấu trúc, bắp kịp yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và làn sóng toàn cầu hóa là yêu cầu sống còn của các doanh nghiệp Việt.
Dự báo, phát triển doanh nghiệp và khả năng tạo công ăn việc làm ngay cả trong những lĩnh vực được coi là lợi ích cốt lõi, là “quà tặng” của TPP cho Việt Nam như dệt may, da giày… cũng sẽ bị đe dọa nếu doanh nghiệp Việt Nam không chuyển kịp… Thêm vào đó, hàng triệu người bước vào độ tuổi lao động và dôi dư do quá trình tái cấu trúc nền nông nghiệp cần có việc làm trong những năm tới sẽ là áp lực lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tạo việc làm đàng hoàng cho người lao động là sứ mệnh cao cả của mình trước Tổ quốc, cộng đồng doanh nghiệp rất mong hệ thống thể chế chính sách sẽ tạo thuận lợi cho doanh nhân thực hiện sứ mệnh này.
Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp một cách mạnh mẽ. Tinh thần của Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp rất rõ ràng, đó là  phải chuyển quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặt trên cơ sở niềm tin của người dân vào doanh nghiệp, xưa nay chúng ta làm theo kiểu đề phòng nên quản lý không được. Nếu quản lý không được phải xem lại, tức là vì yêu cầu quản lý không phải vì yêu cầu phát triển, đặt niềm tin không phải đề phòng đối với người dân và doanh nghiệp. Không thể vì một người mắc bệnh mà bắt cả làng uống thuốc. Đó là quan điểm rất mới về xây dựng nền quản lý từ kiểm soát sang phục vụ, không được thanh tra, kiểm tra chồng chéo.
Mới đây, nhất việc phát động phong trào “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” của Chính phủ cũng sẽ là một động lực thiết thực tiếp lửa cho chương trình nghị sự cải cách của Nghị quyết 35 hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Tôi hiểu điều Thủ tướng nhắn gửi: Thủ tướng sẽ quyết liệt, Chính phủ sẽ đồng hành nhưng đồng thời doanh nghiệp phải tiến lên, cần sản xuất kinh doanh có bài bản, minh bạch, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng.  Đó cũng là mệnh lệnh của Thủ tướng đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nhân cần xác định: Đoàn kết, hợp tác -  Đổi mới, sáng tạo - Tuân thủ pháp luật - Liêm chính, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội và văn hóa kinh doanh là 4 cột trụ của ngôi nhà doanh nghiệp, 4 động cơ đưa đoàn tàu doanh nghiệp Việt vững tiến tới mục tiêu đất nước có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.
TS. Vũ Tiến Lộc
(Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)