Yêu cầu của Haiti về sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ gợi lại sự xôn xao sau vụ ám sát tổng thống cuối cùng của Haiti, vào năm 1915, khi một đám đông tức giận lôi Tổng thống Vilbrun Guillaume Sam ra khỏi Đại sứ quán Pháp và đánh ông đến chết. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã cử Thủy quân lục chiến tới Haiti và tình trạng này kéo dài gần 2 thập kỷ - coi như một cách để ngăn chặn tình trạng vô chính phủ.
Dân Haiti tập trung trước cửa đại sứ quán Mỹ sau khi có thông tin Mỹ sẽ cấp visa lưu vong và nhân đạo cho người dân nước này sau vụ ám sát Tổng thống. Ảnh: AP |
Lần này, Bộ trưởng bầu cử của Haiti Mathias Pierre, giải thích về yêu cầu hỗ trợ quân sự của chính phủ, trong một cuộc phỏng vấn với AP hôm 10/7 rằng lực lượng cảnh sát địa phương còn yếu và thiếu nguồn lực.
"Chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có để đất nước rơi vào cảnh loạn lạc không? Tài sản tư nhân bị phá hủy? Người dân bị giết sau vụ ám sát tổng thống? Hay với tư cách là chính phủ, chúng ta cần ngăn cản? ”, ông Mathias chia sẻ. "Chúng tôi không yêu cầu sự chiếm đóng đất nước. Chúng tôi đang yêu cầu những đội quân nhỏ hỗ trợ và giúp đỡ chúng tôi. Chừng nào tiềm lực yếu, chúng tôi còn cần viện tới những người hàng xóm của mình”, Bộ trưởng bầu cử Haiti giải thích cho quyết định yêu cầu quân đội Mỹ hiện diện.
Hôm 10/7, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết Mỹ hiện không có kế hoạch cung cấp hỗ trợ quân sự vào thời điểm này. Chính quyền sẽ cử các quan chức cấp cao của FBI và Bộ An ninh Nội địa đến Port-au-Prince tới Haiti để đánh giá tình hình và phương thức Mỹ có thể hỗ trợ, quan chức này cho biết. Phó phát ngôn viên Farhan Haq của Liên Hợp quốc cho biết Haiti cũng đã gửi một lá thư tới cơ quan này xin hỗ trợ. AP trích nguồn tin giấu tên của Liên Hợp Quốc cho biết, bức thư yêu cầu sự hiện diện của quân đội và an ninh tại các cơ sở chính.
Tổng thống Haiti Jovenel Moise (53 tuổi), bị một nhóm người bắn chết tại tư gia ở Port-au-Prince rạng sáng 7/7. Đệ nhất phu nhân Martine Moise đang trong tình trạng nguy kịch và đã được đưa sang Mỹ điều trị. Vụ ám sát gây chấn động Haiti và khiến nhiều lãnh đạo khu vực bàng hoàng.
Vụ ám sát Tổng thống Moise đã khiến quốc gia Caribe rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng khi Haiti đang đối mặt với làn sóng bạo lực cực đoan, khủng hoảng nhân đạo, và đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát mạnh.
Kể từ sau vụ ám sát ông Moise, Thủ tướng lâm thời Claude Joseph, người được ông Moise bổ nhiệm, đã nắm quyền quản lý Haiti. Cả Mỹ và Liên Hợp Quốc đều công nhận vai trò của ông Joseph.