Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính quyền gần dân và minh bạch thì không có khiếu nại, tố cáo

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 10/6, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương và Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, trọng tâm là công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2019.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết: Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.
Trong đó, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật khiếu nại, tố cáo và triển khai thi hành Luật Tố cáo năm 2018; chỉ đạo công tác tiếp dân, nhất là trách nhiệm tiếp công dân định kỳ và đột xuất của Chủ tịch UBND các cấp, công khai tiếp dân, tăng cường đối thoại, tiếp dân tại cơ sở, nơi xảy ra vụ việc khiếu nại, tố cáo, giải quyết kịp thời những bức xúc của dân, không để phát sinh thành “điểm nóng”, gây phức tạp về an ninh trật tự.
“Trong quá trình tiếp dân, cán bộ phải đặt mình vào vị trí của người dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến người dân để có biện pháp giải quyết đúng chính sách, pháp luật, hợp lòng dân, tạo đồng thuận trong xã hội”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Đồng thời, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn nêu lên những hạn chế cần khắc phục. Đó là, nhiều vụ việc dân vẫn kéo về Trung ương do một số địa phương chậm giải quyết, thiếu trách nhiệm, trong đó có một số vụ việc liên quan đến thu hồi đất. Vì vậy, nơi nào chính quyền gần dân, sát sao, minh bạch, công khai thì không có khiếu nại, tố cáo. Có địa phương tuy ít công trình nhưng lại phát sinh nhiều khiếu nại tố cáo.
Trước tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp lớn để chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Một là, chấn chỉnh những tồn tại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thủ trưởng các cơ quan hành chính phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình, kiên quyết xử lý vi phạm và thông báo công khai trước dân.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, chấn chỉnh việc xử lý triệt để những tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý đất đai. Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống ổn định, bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, bảo đảm hài hoà về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất.
Hai là, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan đánh giá đầy đủ, sát thực tế việc thi hành Luật Đất đai, nhất là các bất cập là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, nghiên cứu, trao đổi, bổ sung các quy định về giá đất, thu hồi, bồi thường, tái định cư, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để giải quyết căn cơ các vấn đề là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người được thu hồi đất.
Ba là, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích công dân khởi kiện các quyết định hành chính và hành vi hành chính ra Toà án. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan hành chính, công chức khi có quyết định hành chính phải thực hiện nghiêm túc Luật Tố tụng hành chính, tham gia phiên toà, tranh tụng, đối thoại, thi hành nghiêm túc bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
Bốn là, yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp phải nắm chắc tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo xảy ra trên địa bàn, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc thuộc thẩm quyền. Khi xảy ra khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp, dư luận quan tâm, Chủ tịch UBND phải đề cao giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây phức tạp tình hình.
Về mục tiêu, nguyên tắc, quan điểm giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Mục tiêu là tiến hành rà soát, giải quyết cơ bản, dứt điểm các vụ việc này góp phần bảo đảm ổn định chính trị, phát triển KT-XH, chuẩn bị cho việc tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Nguyên tắc và quan điểm chỉ đạo là phải dựa trên cơ sở chính sách, pháp luật, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, dứt điểm được các vụ việc. Trong quá trình giải quyết phải xem xét đầy đủ, thấu đáo các nội dung, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, nguyên nhân người dân chưa đồng tình với biện pháp giải quyết của chính quyền, xem xét bản chất của vụ việc, tổ chức đối thoại công khai, làm rõ những nội dung có ý kiến khác nhau, trao đổi, thống nhất, tạo đồng thuận về hướng giải quyết. Nếu giải quyết sai phải kiên quyết sửa chữa, tìm biện pháp giải quyết dứt điểm. Nếu giải quyết đúng, có lý, có tình thì cần có giải thích, thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành, công khai kết quả giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu người có khiếu nại có hoàn cảnh thực sự khó khăn, cần xem xét, vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Tổ trưởng để trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Các vụ việc phức tạp, kéo dài được chia thành 2 nhóm: Nhóm các vụ việc rất phức tạp và nổi cộm, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo giải quyết; các vụ việc còn lại địa phương tự rà soát, có sự giám sát của Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành chức năng.
Hiện Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo của việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và trực tiếp chỉ đạo một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài tại các tỉnh, TP Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Tháp.