Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng đối tượng trợ cấp để hạn chế rút BHXH một lần

Chính sách nhân văn nhưng cần nghiên cứu kỹ

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị Việt Nam thực hiện hai chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu mà người lao động hay sử dụng tiền BHXH một lần là trợ cấp trẻ em/gia đình, tăng và mở rộng trợ cấp thất nghiệp.

Khuyến nghị phù hợp thực tế

Bộ LĐTB&XH cho biết, sau 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014 đã có 4,5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Trong đó gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tham gia BHXH, chiếm gần 28% số lượt người nhận BHXH một lần giai đoạn 2016 – 2022.

Làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Việc người lao động rút BHXH một lần sớm có thể ảnh hưởng đáng kể đến an ninh thu nhập tuổi già của họ. Việc này có thể trở nên đặc biệt nghiêm trọng hơn trong những năm cuối đời của người lao động khi họ cần có nhiều sự hỗ trợ hơn do chi phí thời điểm đó tăng.

Bên cạnh đó, trong hầu hết các trường hợp, giá trị của khoản rút BHXH một lần luôn thấp hơn tổng giá trị hiện tại ròng của những khoản lương hưu hàng tháng. Số lượng lớn người lao động rút BHXH một lần có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả và tính bền vững của toàn bộ hệ thống hưu trí đóng góp. Từ những quan điểm này và các văn bản pháp luật của Việt Nam về chính sách BHXH, Tổ chức ILO khuyến nghị Việt Nam xây dựng hệ thống BHXH trở nên hấp dẫn hơn đối với người lao động bằng cách tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn nên là một ưu tiên.

Cụ thể là, ILO đề xuất Việt Nam cung cấp cho các gia đình một khoản trợ cấp hàng tháng dựa trên số con họ có, tiếp cận tốt hơn với dịch vụ chăm sóc trẻ mẫu giáo. Đồng thời, mở rộng diện bao phủ và tăng mức trợ cấp thất nghiệp, có thể là một chính sách quan trọng nhằm giảm bớt động cơ rút BHXH một lần. “Mặc dù mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao (60%) nhưng do mức lương làm căn cứ đóng BHXH có thể thấp hơn, dẫn đến các khoản trợ cấp thất nghiệp vẫn có giá trị thấp hơn so với chi phí sinh hoạt (và giá trị thực của thu nhập thực tế của người lao động) trước khi mất việc” – ILO phân tích.

Khuyến nghị của Tổ chức ILO được nhiều người lao động đồng tình. Bởi nếu gia đình người lao động được khoản trợ cấp hàng tháng dựa trên số con và hỗ trợ tìm trường mẫu giáo gần nơi ở, có mức phí vừa phải sẽ giúp họ yên tâm làm việc, không tính đến rút BHXH một lần.

Từ thực tế DN có trên 80% là lao động nữ, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam Nguyễn Hoàng Long cho rằng: “Nếu số liệu điều tra chính xác tỷ lệ rút BHXH một lần (69% phụ nữ trước 35 tuổi) thì việc trợ cấp cho gia đình và trẻ em có thể phần nào sẽ giảm được tỷ lệ rút BHXH một lần ở các đối tượng này. Hơn nữa, việc trợ cấp cho gia đình và trẻ nhỏ cũng thể hiện được ý nghĩa nhân văn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam”.

Xem xét, cân nhắc nguồn ngân sách

Nhiều chuyên gia BHXH, an sinh xã hội cho rằng, thêm chế độ trợ cấp cho trẻ em và mở rộng chế độ trợ cấp thất nghiệp là rất nhân văn, cần thiết và có ý nghĩa cho người lao động. Và ở góc độ nào đó cũng có tác động hạn chế rút BHXH một lần. Theo TS Phạm Đình Thành – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH: “Để chính sách trợ cấp trẻ em khả thi thì người thiết kế chính sách phải xem xét, tính toán nguồn ngân sách lấy từ đâu?

Nếu kinh phí lấy từ nguồn Quỹ BHXH thì phải nói rõ ràng từ quỹ ốm đau, thai sản hay hưu trí… và với mức tiền bao nhiêu cho một trẻ em; rồi từ đó tính toán, cân đối quỹ có bảo đảm chi không. Nếu kinh phí lấy từ ngân sách Nhà nước để trợ cấp cho con người lao động tham gia BHXH thì liệu có công bằng đối với con của những người chưa có điều kiện đóng BHXH do cuộc sống khó khăn?”.

Ở Việt Nam, những năm 1986 đến 1995 (khi chưa có quan hệ đóng – hưởng BHXH) đã có chính sách hỗ trợ cho gia đình, trẻ em bằng tiền được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước. Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, việc ILO khuyến nghị trợ cấp cho trẻ em mà chúng ta tách ra thành chính sách riêng của Nhà nước, lấy tiền từ ngân sách Nhà nước và có tính chất phúc lợi xã hội để giúp người lao động không rút BHXH một lần là rất tốt.

Nhưng, việc này lại phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước có bảo đảm thực hiện không? Một vấn đề nữa, nếu chính sách của Nhà nước mà chỉ hỗ trợ cho con của người lao động tham gia BHXH gặp khó khăn, không áp dụng đối với con của các đối tượng khác làm việc bấp bênh chưa có điều kiện đóng BHXH (nông dân, người buôn bán nhỏ…) thì lại có sự bất bình đẳng.

“Chính sách ILO khuyến nghị, các nước khác đều làm nhưng Việt Nam cần tính toán rất kỹ về nguồn kinh phí. Nhất là khi BHXH có mối quan hệ đóng – hưởng, mà thực hiện chính sách trợ cấp trẻ em thì nó nằm ngoài lĩnh vực này. Theo tôi, hỗ trợ cho trẻ em chỉ nên là chính sách phụ trợ, là phúc lợi xã hội, nguồn ngân sách Nhà nước chi trả. Giống như chính sách Chính phủ trợ cấp cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì khả thi hơn” – ông Nguyễn Hữu Dũng đề xuất.

Về khuyến nghị mở rộng diện bao phủ và tăng mức trợ cấp thất nghiệp cho người lao động được nhiều chuyên gia và người lao động đồng tình. Có thể tăng số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp, thay vì quy định người lao động được hưởng tối đa 12 tháng như hiện nay. Nhưng điều quan trọng vẫn là tăng cường chính sách thị trường lao động và phát huy vai trò thiết thực, hiệu quả của chính sách việc làm. Theo đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động vay vốn làm ăn thông qua các quỹ tín dụng Nhà nước nhằm ngăn cản việc rút BHXH một lần.

 

Điều mà người lao động băn khoăn là mức trợ cấp mỗi gia đình và trẻ nhỏ là bao nhiêu, liệu có đủ hấp dẫn để họ không rút BHXH một lần? Nếu mức trợ cấp cho gia đình, trẻ nhỏ đủ nhiều để thu hút, giữ chân các trường hợp phụ nữ dưới 35 tuổi không rút BHXH một lần thì có cảnh hưởng đến quỹ BHXH và quyền lợi của các trường hợp khác khi quỹ này phải chi thêm một khoản không nhỏ? Về cơ bản, có thể các chính sách không ảnh hưởng đến bộ phận này thì sẽ tác động đến quyền lợi của những trường hợp khác. Vì thế cần tính toán để mức độ ảnh hưởng nhỏ nhất và gia tăng quyền lợi nhiều bộ phận được hưởng nhất. Như vậy sẽ giữ chân được người lao động ở lại hệ thống BHXH.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam
Nguyễn Hoàng Long

Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội dự án Luật BHXH (sửa đổi), trong đó có quy định điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn. Cụ thể, giảm từ 20 năm đóng BHXH xuống còn 15 năm; hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do ngân sách Nhà nước bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng; hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng đối với người lao động sau 1 năm nghỉ việc không nhận BHXH một lần mà tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH, thời gian hưởng BHYT tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động. Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc, chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.