Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách tiền tệ - Bốc đúng thuốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 đã đề cập một cách toàn diện những giải pháp chủ yếu điều hành thực hiện kế hoạch năm 2012. Trong các giải pháp này, có việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt.

Đây là giải pháp hàng đầu cho nhiệm vụ tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Điều đó xuất phát từ nhiều lý do. Xuất phát điểm quan trọng là bối cảnh ra đời của Nghị quyết 01/NQ-CP.

Năm 2011, bên cạnh những kết quả tích cực về các cân đối tiền tệ, tín dụng được kiểm soát; thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ từng bước ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng; tốc độ tăng giá giảm dần…, cũng có những hạn chế, bất cập. Mà nổi bật là sản xuất khó tiếp cận vốn ( tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân trong nhiều năm trước ở mức trên 30%, mục tiêu 2011 là 15- 17%, nhưng thực tế chỉ đạt 12%). CPI đã chậm lại từ tháng 8, chậm lại nhanh từ tháng 10, nhưng tính chung cả năm vẫn còn cao (18,13%). Lãi suất vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao (bình quân ở mức 17- 19%/năm, có loại còn cao hơn). Bất ổn kinh tế vĩ mô còn lớn…

 Xuất phát điểm thứ hai là mục tiêu tổng quát của năm 2012, trong đó có ưu tiên kiềm chế lạm phát ở mức dưới 10%. Xuất phát điểm thứ ba từ vai trò của tiền tệ là yếu tố trực tiếp tác động và thể hiện ra cuối cùng của lạm phát.

Bốc đúng thuốc

Việc thực hiện chính sách tiền tệ trong năm 2012 đã đạt được những kết quả tích cực trên một số mặt.

Thứ nhất, tư duy điều hành đã chuyển từ việc thụ động với các giải pháp đối phó với lạm phát sang chủ động kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Ngay cả khi CPI tính theo năm của tháng 6 đã xuống còn 6,9%, thì vẫn định hướng mục tiêu cả năm ở mức 7- 8% để giảm bớt liều lượng của giải pháp tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, góp phần giảm bớt khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thị trường, bắt đầu lo cho tăng trưởng hợp lý, nhưng không làm cho lạm phát cao trở lại và gây bất ổn vĩ mô.

Thứ hai, thực hiện các giải pháp khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức tín dụng ưu tiên vốn tín dụng phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động, các dự án hiệu quả. Khống chế và thực hiện được tỷ trọng dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, cơ cấu dư nợ tín dụng đến 30/4/2012 là nông, lâm nghiệp- thủy sản chiếm 8,83%, công nghiệp- xây dựng chiếm 40,67% , cao hơn tỷ trọng của nhóm ngành này trong GDP (trong đó công nghiệp chiếm 31,73%, riêng công nghiệp chế biến chiếm 23,22%), dịch vụ chiếm 50,5% (trong đó hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 5,8%).

Thứ ba, thanh khoản của các tổ chức tín dụng- một vấn đề lớn nhất, gây quan ngại đến an toàn hệ thống- đã bước đầu được bảo đảm, sau khi Nhà nước cung ứng một lượng tiền lớn để giải quyết thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại (khoảng 300 nghìn tỷ đồng, trong đó có 180 nghìn tỷ đồng mua ngoại tệ, 60 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn, 30 nghìn tỷ đồng giải quyết thanh khoản...).

Thứ tư, mặt bằng lãi suất gần đây đã hạ tương đối nhanh đối với các lĩnh vực ưu tiên; mới đây đã yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất vay cũ xuống dưới 15%.

Thứ năm, đã điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và tình hình cung- cầu ngoại tệ. Nhờ vậy đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng gấp đôi dự trữ ngoại hối nhà nước, ổn định tỷ giá vàng, giá USD (7 tháng 2012 giá vàng giảm 7,8%, giá USD giảm 0,85%- một kết quả hiếm thấy trong hàng chục năm qua), góp phần hạn chế tâm lý kỳ vọng lạm phát, gia tăng lòng tin vào đồng tiền quốc gia. Đây có thể được coi là mặt sáng nhất trong 7 tháng đầu năm 2012.

Thứ sáu, bước đầu thực hiện tốt hơn công tác dự báo, trong đó có dự báo về lãi suất, tỷ giá. Bước đầu thực hiện việc công khai, minh mạch thông tin thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ, vàng, hạn chế được các tin đồn và sự biến động của thị trường sau những tin đồn đó, giúp  cho các nhà đầu tư, sản xuất, tiêu dùng có thể dự đoán được, yên tâm hơn trong đầu tư, tiêu dùng.

Thứ bảy, phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, nhất là thời gian gần đây khi Nghị quyết 13/NQ-CP được ban hành chặt chẽ hơn, vừa bảo đảm sự nhất quán và tạo ra lực cộng hưởng.

Kết quả của việc thực hiện chính sách tiền tệ đã cùng với các biện pháp khác, trực tiếp góp phần kiềm chế lạm phát. CPI tăng chậm lại nhanh dù xét dưới góc độ nào (xét theo tháng đã giảm 2 tháng liền, xét theo 7 tháng đã tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 9 năm nay, xét theo năm cũng tăng thấp nhất so với 11 tháng trước đó). Gần đây, việc hạ lãi suất cho vay đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất  kinh doanh, hỗ trợ thị trường, làm cho tăng trưởng tín dụng chuyển từ thời kỳ giảm sang thời kỳ tăng, góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu thoát đáy vượt dốc đi lên...

Liều lượng cần chuẩn hơn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện chính sách tiền tệ trong những tháng đầu năm 2012 cũng còn một số hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.

Tinh thần của giải pháp trong Nghị quyết 01/NQ-CP là “chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt”, nhưng diễn biến thực tế ở cấp này cấp khác, nơi này nơi khác, vào lúc này lúc khác đã theo hướng “thắt chặt” chứ không phải “chặt chẽ”; thận trọng quá mức nhiều hơn là linh hoạt; gần đây đã linh hoạt hơn, nhưng về thời gian thì kéo dài đã quá nửa năm, về tác động phụ thì đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản.

Nợ xấu ngân hàng hiện có một số điểm đáng lưu ý. Đây đang là một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay mà các chuyên gia gọi là “cục máu đông” làm ách tắc sự luân chuyển của vốn cho nền kinh tế. Nợ xấu đã tăng khá nhanh, hiện chiếm tỷ lệ cao. Việc giải quyết nợ xấu hiện có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn, về tổ chức, về cách xử lý nên còn chậm và còn lúng túng trước yêu cầu cấp bách của cuộc sống.

Lãi suất cho vay cao kéo dài, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn lớn (thường vượt mức 3%/năm theo thông lệ). Nhiều ngân hàng thương mại chưa chủ động đến với doanh nghiệp, dự án để tìm cách khơi thông tín dụng, nên tăng trưởng tín dụng sau 6 tháng vẫn còn mang dấu âm- một hiện tượng hiếm thấy so với cùng kỳ trong nhiều năm qua, vừa gây ra tình trạng kém thanh khoản, vốn bị ứ đọng, kém hiệu quả.

Trong điều kiện đặc biệt, việc sử dụng các biện pháp hành chính là cần thiết, nhưng trong cơ chế thị trường thì cần sử dụng biện pháp thị trường nhiều hơn, tránh lạm dụng biện pháp hành chính, vừa có hiệu ứng phụ, vừa khó khắc phục.