Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chờ cải cách thực chất hơn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong quý I/2019, cùng với lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, GDP của Việt Nam ước tăng 6,79%.

Dù vậy, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cho lĩnh vực nhiều rủi ro này, việc cắt giảm các thủ tục hành chính theo hướng tập trung và thực chất hơn, nhằm thu hút các DN tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp là đòi hỏi cấp thiết.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 49.600 DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, số DN đầu tư trực tiếp vào quy trình sản xuất chỉ trên 7.600 DN, chiếm khoảng 1% tổng số DN. Để tạo điều kiện cho các DN nông nghiệp phát triển, những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh cải cách điều kiện kinh doanh không phù hợp, là rào cản đối với các DN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự vào cuộc của các bộ, ngành có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ.
Đơn cử như quy định về sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm theo Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ. Sau rà soát, Chính phủ đã ban hành văn bản yêu cầu các bộ ngành phối hợp sửa đổi nghị định trên, nhằm tạo thuận lợi cho các DN sản xuất, kinh doanh. Trong khi Bộ NN&PTNT đã có động thái cụ thể, tích cực, thì đến nay sau gần 3 năm, Bộ Y tế vẫn đang… tiếp tục hoàn thiện.
Với vai trò đầu ngành, trong những năm qua, Bộ NN&PTNT đã chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN nông nghiệp phát triển. Đến nay, Bộ này đã cắt giảm được 122 TTHC, được Chính phủ đánh giá là một trong những đơn vị tích cực nhất trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn tới 14 vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT được nhiều DN than khó. 9 vấn đề bất cập khác thuộc trách nhiệm của 4 Bộ: Tài chính, Y tế, TN&MT, KH&CN cũng bị nhiều DN kiến nghị cần điều chỉnh.
Năm 2019 được Chính phủ đặt mục tiêu là năm bứt phá để phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu trên được Chính phủ đề ra là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó có lĩnh vực NN&PTNT. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay đối với cải cách không chỉ là số lượng.
Thực tế cho thấy, dù các bộ, ngành đã cải cách rất mạnh nhưng thời gian qua, có những thông tư được ban hành vẫn gây khó khăn cho DN. Do đó, đòi hỏi đặt ra là bên cạnh tinh giản nhanh về số lượng, cần đi thẳng vào những vấn đề thực chất để xem xét, tiếp tục cải cách theo đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, cải cách TTHC phải đi vào thực chất hơn, tránh việc cắt giảm thủ tục này nhưng lại... mọc ra quy chuẩn, tiêu chuẩn khác, tiến tới giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Việc xử lý những bất cập trong TTHC cần được thực hiện dứt điểm, bằng hành động cụ thể, thể chế hóa.
Bên cạnh đó, cần quyết liệt xóa bỏ các rào cản hành chính có tác động trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng, cũng như những khoảng trống pháp luật dễ tạo cơ hội cho cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và các DN. Có như vậy, mục tiêu tăng trưởng 2019 của Việt Nam mới đạt kết quả như mong đợi.