HĐND TP đã tán thành với đề xuất của UBND TP về việc cho phép các quận, huyện: Hoàng Mai, Gia Lâm được sử dụng 2.100 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách quận, huyện để chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2024 theo quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Cụ thể, quận Hoàng Mai: 1.600 tỷ đồng; huyện Gia Lâm: 500 tỷ đồng.
HĐND TP cũng thống nhất điều chỉnh một số khoản dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp TP năm 2024 tại Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND Thành phố về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP Hà Nội năm 2024.
Thống nhất phương án phân bổ dự toán kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (vốn sự nghiệp) và kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ (nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP) năm 2024.
Thống nhất với đề xuất của UBND TP cho phép Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện chi trả thù lao tư vấn kĩ thuật theo thỏa thuận cho chuyên gia tư vấn quốc tế của UNESCO (thông qua hợp đồng tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật với Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS), chi trả thù lao theo thỏa thuận cho chuyên gia độc lập tư vấn xây dựng hồ sơ tầm nhìn cho trục chính tâm khu di sản Hoàng Thành Thăng Long (dự kiến thực hiện vào tháng 11/2024).
HĐND TP thống nhất với đề xuất giao UBND TP quyết định việc hỗ trợ theo thực tế và triển khai thực hiện đối với các nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ học viên tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ của Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 2024; Hỗ trợ cán bộ, giáo viên dạy nghề Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào giai đoạn 2024-2025; Hỗ trợ kinh phí đào tạo, chi sinh hoạt phí, chi hỗ trợ trang cấp ban đầu, chi phí đi lại cho học sinh là cán bộ và con em lãnh đạo các tỉnh Bắc Lào từ 1/1/2024; HĐND TP giao UBND TP quyết định việc hỗ trợ theo thực tế và triển khai thực hiện.
HĐND TP cũng thống nhất điều chỉnh số liệu tổng quyết toán ngân sách TP Hà Nội năm 2022 đã được HĐND TP phê chuẩn tại Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 8/12/2023.
Thống nhất về sự cần thiết xây dựng và triển khai Đề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố. Đồng thời đề nghị UBND TP: chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống định mức, đơn giá, các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư phương tiện, đầu tư cơ sở hạ tầng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đảm bảo phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển của thế giới, tránh thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến: Quy định về điều kiện kinh doanh, niên hạn sử dụng, đăng ký, đăng kiểm để giảm dần số lượng và tiến tới loại bỏ hoàn toàn phương tiên vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Hệ thống chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn định mức liên quan đến sản xuất, nhập khẩu quản lý, vận hành khai thác phương tiện giao thông hiệu suất cao, sử dụng điện, năng lượng xanh...
Thống nhất với đề xuất của UBND TP về mức hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 đối với một số trường hợp sử dụng đất được pháp luật quy định trên địa bàn TP Hà Nội. Trường hợp tại một số vị trí đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong cùng một khu vực, tuyến đường có đặc điểm sinh lợi, hệ số sử dụng đất (mật độ xây dựng, chiều cao của công trình) khác với mức bình quân chung của khu vực, tuyến đường, UBND TP chủ động quyết định hệ số điều chỉnh giá đất làm cơ sở tổ chức đấu giá theo thẩm quyền (không thấp hơn hệ số điều chỉnh giá đất đã được HĐND TP thông qua).
HĐND TP giao UBND TP triển khai thực hiện Nghị quyết; phân công rõ trách nhiệm các cơ quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2024 để hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024 theo Nghị quyết HĐND TP.