Không chỉ những trường hợp nhập viện dương tính với ma túy; mà hiện trường sau sự cố là hàng nghìn quả bóng cười, một lượng ma túy đá, cần sa… đã được lực lượng công an tìm thấy, để chứng tỏ sự buông thả của một bộ phận khán giả có mặt nơi đây.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một lễ hội âm nhạc xảy ra hậu quả bi thảm như vậy. Sau sự cố, từ cơ quan quản lý đến các bậc phụ huynh mới giật mình tự hỏi: Phải chăng, đã đến lúc ngăn chặn con em mình đánh đu với các chương trình “lai” Tây. Bởi môi trường sử dụng chất kích thích đã tiềm ẩn từ lâu trong các sự kiện tương tự. Bằng chứng, cách đây hơn một năm rưỡi, cũng tại một sự kiện âm nhạc điện tử tại sân vận động Mỹ Đình, một nam thanh niên đã tử vong tại chỗ. Theo kết quả giám định pháp y của Trung tâm Pháp y Hà Nội, thanh niên này bị sốc sau khi sử dụng một loại chất kích thích có tên là “cỏ Mỹ”. Ở nước ngoài, cũng có vài ba vụ việc tử vong vì dùng chất kích thích tại lễ hội âm nhạc điện tử.Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận, âm nhạc điện tử không phải là lỗi khiến khán giả trẻ dễ hư. Và cũng không phải tất cả khán giả đến với lễ hội là buông thả và dễ dãi cho việc dùng các chất kích thích. Ở đây, trách nhiệm ở sự lựa chọn cách chơi của mỗi người. Nói cách khác, dù dư luận có lúc nhầm lẫn, vẫn có một ranh giới khá rõ ràng, giữa những người sử dụng ma túy hàng ngày và những người bị cuốn theo việc buông thả bản thân để tự thể hiện mình. Ranh giới ấy, dù mong manh, nhưng vẫn có thể điều chỉnh bằng một khái niệm luôn có giá trị: Vui có điểm dừng, để biết tự kiểm soát bản thân mình. Không cơ quan chức năng hay cha mẹ nào có thể theo dõi và giám sát một cá nhân khi đã đến tuổi trưởng thành 24/24 giờ. Đôi khi người sắp trưởng thành cũng phải học cả kỹ năng chơi có điểm để biết việc sử dụng gì và sử dụng tới đâu.