Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động giải pháp đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và 2024

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 tổ chức chiều 4/11, nhiều vấn đề liên quan đến EVN và cách tính giá điện đã được các cơ quan chức năng giải đáp.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân. Ảnh VGP
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân. Ảnh VGP

Không để thiếu điện

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, để chủ động chuẩn bị các giải pháp đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Bộ Công Thương đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đề ra các giải pháp bảo đảm cung ứng điện và đặc biệt là không để thiếu điện.

Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp: Bảo đảm đầy đủ nguồn cung ứng nhiên liệu đầu vào (than, khí, dầu cho sản xuất điện); đẩy mạnh tiến độ đầu tư các công trình nguồn lưới điện, đặc biệt là các công trình trọng điểm như đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch- Phố Nối; đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy các tổ chức phát điện; điều độ vận hành hệ thống điện, huy động nguồn điện tối ưu, kỹ thuật, bảo đảm chi phí hợp lý; đẩy mạnh tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả.

Về cách tính giá điện, căn cứ vào Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định cụ thể về các phương pháp lập giá bán lẻ điện bình quân, bao gồm chi phí các khâu trong quá trình sản xuất cung ứng điện như phát điện, truyền tải điện, phân phối, bán lẻ, điều hành, quản lý ngành… đảm bảo phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chi phí đúng, đủ.

Các cơ chế điều hành, điều chỉnh mức giá bán điện bình quân thì đã được quy định rất rõ trong Quyết định 24 liên quan đến các nội dung như: Thông số đầu vào mà biến động làm cho giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với hiện hành thì sẽ được xem xét điều chỉnh tăng; và nếu giảm thì sẽ được xem xét điều chỉnh giảm tương ứng.

Nhân viên EVN hướng dẫn khách hàng sử dụng công nghệ trong thanh toán tiền điện. Ảnh: Hải Linh  
Nhân viên EVN hướng dẫn khách hàng sử dụng công nghệ trong thanh toán tiền điện. Ảnh: Hải Linh  

Điện là loại hàng hóa có mặt trong hầu hết các mặt của đời sống kinh tế- xã hội, nên việc điều chỉnh điện sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội, nên Quyết định 24 cũng quy định cần phải báo cáo Thủ tướng có ý kiến, trong trường hợp ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, trong một số năm, giá điện đã được giữ ổn định để bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đời sống người dân.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã nghiên cứu sửa đổi Quyết định 24 để xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện với lộ trình phù hợp. Hiện nay Bộ Công Thương đã trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến việc thanh tra về cung ứng điện, Bộ Công Thương đã thanh tra và trên cơ sở thanh tra đã có kết luận thanh tra vào tháng 7 vừa qua. Trong đó, có nội dung rất quan trọng đó là công tác kiểm điểm. Vấn đề này Bộ Công Thương đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

EVN đã kiểm điểm nghiêm túc

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sĩ Hùng thông tin thêm, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã nêu một số tồn tại và vi phạm trong 5 nhóm nội dung diễn ra trong giai đoạn 1/2021 đến 6/2023: Chậm đầu tư và hoàn thành một số nguồn lưới điện; chưa đảm bảo đủ dự trữ nguyên liệu sơ cấp theo định mức để đảm bảo cung cấp điện; điều độ vận hành hệ thống điện chưa cân đối trong việc huy động các nguồn điện, cơ cấu nguồn điện; vi phạm trong chỉ đạo điều hành vận hành hệ thống trong mùa khô 2023; gián đoạn nguồn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt là trên khu vực miền Bắc vào tháng 5, tháng 6 năm 2023.

Đây là những nội dung rất quan trọng, làm cơ sở để xác định rõ trách nhiệm của các vấn đề liên quan đến những người, tập thể đã thực hiện nội dung này.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước Hồ Sĩ Hùng. Ảnh VGP  
Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước Hồ Sĩ Hùng. Ảnh VGP  

Dựa trên nội dung thanh tra, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo EVN thực hiện kiểm điểm theo quy định.

Hiện nay EVN đã ra quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với 1 đồng chí Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều độ hệ thống điện, khiển trách đối với 3 lãnh đạo của Trung tâm Điều độ điện Quốc gia (A0), gồm 1 giám đốc và 2 phó giám đốc.

Đồng thời, EVN cũng đã đề xuất với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo, phối hợp cấp có thẩm quyền xem xét hình thức kỷ luật đối với đồng chí nguyên là Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đối với đồng chí hiện là Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ủy ban Quản lý vốn cho rằng, EVN đã thực hiện kiểm điểm đúng nội dung đã nêu tại Kết luật thanh tra, nghiêm túc và đề xuất các hình thức kỷ luật phù hợp quy định tại Nghị định số 159/2020/NĐ-CP. Trong quá trình thực hiện đều có sự tham gia của Bộ công thương, ý kiến của Đảng uỷ khối Doanh nghiệp Trung ương để đảm bảo việc kiểm điểm đúng, khách quan, minh bạch.