Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chữ như tấm khiên che chở Vũ Bằng

Nhà văn Bùi Việt Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc kháng chiến trường kỳ mười nghìn ngày (1945 - 1975) đánh bại hai đế quốc lớn của thế kỷ XX là Pháp và Mỹ đã có rất nhiều anh hùng chưa có tên của lịch sử.

Trong đó có những chiến sĩ tình báo mà đa số, như ai đó nói một cách lạc quan, họ “đơn tuyến nhưng không đơn độc”. Họ thường làm cái công việc “sống để dạ chết mang đi”.
Có thể nói, nhà tình báo thường là những con người đa nhân cách. Thậm chí có thể gọi họ là những “diễn viên kỳ tài”, cùng lúc thủ nhiều vai. Vũ Bằng là một trong số đó. Nhà văn Vũ Bằng, tên thật là Vũ Đăng Bằng, sinh 1913, nguyên quán Hải Dương, sống và viết văn, làm báo tại Hà Nội từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ 1948, chính thức trong mạng lưới tình báo từ 1952 (Bí danh X10).
 
Năm 1954 di cư vào Nam theo sự phân công của tổ chức trong vai một văn sĩ - ký giả. Hoạt động liên tục từ 1954 - 1975 với vỏ bọc nhà báo - nhà văn. Do sự éo le của hoàn cảnh mà một thời gian dài Vũ Bằng không được tổ chức xác nhận quá trình hoạt động tình báo. Năm 2000, sau nhiều nỗ lực xác minh, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng đã có Giấy xác nhận (Số 67/XN, ký ngày 1/3/2000) về quá trình hoạt động tình báo liên tục của nhà văn Vũ Bằng từ 1952 - 1975.
Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ông là tác giả của hàng chục tác phẩm nổi tiếng thuộc nhiều thể loại, trong đó đặc sắc nhất là “Thương nhớ mười hai”, “Miếng ngon Hà Nội”, “Bốn mươi năm nói láo (những tác phẩm đều được viết trong thời kỳ Vũ Bằng hoạt động tình báo ở miền Nam trong vai người làm “nghề chữ”). Vũ Bằng đã hóa thân vào nhiều “vai diễn” đặc sắc trong cuộc đời hoạt động tình báo của mình.
Bắt đầu từ vai một người “dinh-tê” (rentrer - vào trong): Như nhiều văn nghệ sĩ trí thức khác, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Vũ Bằng đi tản cư vào vùng tự do theo câu khẩu hiệu phổ biến lúc bấy giờ “Tản cư là yêu nước!”.
Theo hồi ức của đồng nghiệp thì hồi đó Vũ Bằng tản cư về vùng Chợ Đại, Cống Thần (Hà Nam). Ông là người có chút lưng vốn về tài chính do nghề làm báo, làm văn trước đó, cộng thêm tính tình lịch lãm, phóng khoáng nên dẫu cho tản cư về nông thôn mà vẫn chơi sang. Có vẻ như không hợp cảnh hợp tình nên đôi khi thấy vênh giữa “mình” với “ta”.
Có lẽ một lần nào đó Nam Cao đã gặp Vũ Bằng ở vùng tự do trong một chuyến công tác ngắn ngày. Nảy ra sự so sánh. Rồi băn khoăn một điều gì đó về lẽ sống mà Nam Cao viết truyện ngắn “Đôi mắt” (1948). Nhiều người cứ so đo nhân vật văn sĩ Hoàng trong truyện với nguyên mẫu Vũ Bằng. Nhưng đó là chuyện nguyên mẫu sáng tác, ở đây chúng tôi không muốn lạm bàn.
Mùa Đông năm 1948, khi được tổ chức giác ngộ cách mạng, Vũ Bằng hòa mình vào đám đông hồi cư, trở về TP (Hà Nội). Không mấy ai trong số bạn bè văn chương và cả người thân biết Vũ Bằng đang vào một vai kịch khó khăn. Đóng vai người “dinh - tê” (hồi cư), có vẻ như là người quay lưng với kháng chiến, bảo an, hưởng lạc. Thậm chí đôi khi phát ngôn/viết cho có vẻ ngất ngưởng, mất lập trường một tí.
Nhưng mà thôi, giờ thì cứ tạm coi như quả ớt chín cây vậy (càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng). Nào đã hết. Cả vợ con ông cũng một lèo mang tiếng xấu của kẻ “dinh - tê”. Nhưng mà đành lòng vậy cầm lòng vậy. Khác nào “Oan Thị Kính!”. Đinh ninh trong lòng một ngày nào đó Trời có mắt!
Tiếp vai một người “di cư”: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), theo Hiệp định Genève về hòa bình ở Việt Nam, đất nước tạm chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm mốc phân định tạm thời, sau hai năm sẽ tiến hành Tổng tuyển cử, thống nhất đất nước.
Theo sự phân công của tổ chức, Vũ Bằng hòa vào dòng người di cư (đa số là đồng bào Công giáo nghe theo sự tuyên truyền xúi giục của bộ máy chiến tranh tâm lý của địch) nườm nượp đổ vào miền Nam. Lần vào vai mới này với Vũ Bằng khó khăn hơn vì ông phải bỏ lại sau lưng mình quê hương xứ sở, vợ con gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp vốn đã “quen hơi bén tiếng” bao nhiêu năm trời. Con đường thiên lý mở ra trước mắt không có hoa hồng mà chỉ có chông gai. Nhưng chí đã quyết, lòng không sờn.
Chính Vũ Bằng cũng không ngờ đó là cuộc ra đi mà “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Vũ Bằng đúng là một người di cư yêu nước, như cách nói bây giờ. Vai một người “di cư” với Vũ Bằng là 21 năm. Bể dâu hơn nàng Kiều của Nguyễn Du, cũng chỉ có 15 năm lưu lạc.
 
Vai “ba trong một” (nhà văn – nhà báo – nhà tình báo): Từ năm 1954 - 1975, Vũ Bằng hoạt động tình báo đơn tuyến dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Văn Hội (tức Ba Hội). Ông không được giao nhiệm vụ “chui sâu leo cao” vào hàng ngũ địch như những nhà tình báo khác - Vũ Ngọc Nhạ hay Phạm Ngọc Thảo. Ông hoạt động công khai, hợp pháp dưới vỏ bọc dễ chấp nhận.
Là người có nghề, có danh từ lâu nên ông nhập vào làng báo của chính quyền ngụy rất thành thục, nhanh chóng (tiêu biểu nhất là đứng chân cộng tác được cả với Việt Tấn xã - cơ quan thông tấn của chính quyền Việt Nam cộng hòa). Từ đó ông có cơ hội khai thác được nhiều thông tin quý giá cho tổ chức. Ông cộng tác với nhiều tờ báo nên có dịp chu du và giao tiếp với đủ các tầng lớp xã hội. Nhưng nếu ai để ý thì sẽ thấy Vũ Bằng trĩu nặng tâm sự.
Nhớ quê hương miền Bắc, nhớ gia đình thân yêu, nhớ bè bạn đồng nghiệp. Nhớ nghề Văn. Nghĩa là đến mức lúc nào cũng “Thương nhớ mười hai” và lúc nào cũng nhớ “Miếng ngon Hà Nội” như nhan đề những kiệt tác trong đời văn của ông. Nhưng nếu nói “văn là người” thì cớ sao kẻ địch lại không đọc văn mà lần ra con người thật của Vũ Bằng (!?). Đôi khi không riêng gì tôi, mà nhiều người, cứ lẩn thẩn đặt câu hỏi như thế rồi không tìm ra câu trả lời. Vũ Bằng, như ai đó nói, sống trong tâm trạng ngày Nam đêm Bắc.
Chừng ấy năm dằng dặc sống ở miền Nam, ông cũng đã tục huyền. Đó cũng là chuyện bình thường vì con người ta đâu phải là gỗ đá. Nếu nói chính xác thì Vũ Bằng trong thời gian nói trên là cả một khối mâu thuẫn lớn, khối cô đơn khổng lồ. Nó cần được phóng chiếu ra con chữ. Con chữ còn là tấm khiên, là vỏ bọc che chở nhà tình báo Vũ Bằng.
Trong vai “người cô độc” cuối đời. Vì sao sau năm 1975, khi đất nước hòa bình, thống nhất, chín năm trời đằng đẵng, cho đến khi mất (1984), Vũ Bằng vẫn không trở về Bắc, về Hà Nội, về với gia đình, dù chỉ một lần? Trước hết là vì gia cảnh. Như đã nói ở trên, thời gian từ 1954 - 1975, Vũ Bằng nặng gánh gia đình. Thử hình dung sau 1975, khi cả xã hội đói nghèo thì con thuyền mà Vũ Bằng chèo chống nan nguy tới mức nào. Không có điều kiện tài chính để trở về Bắc, về Hà Nội, nơi ngày trước ông đã có một gia đình.
Lại còn lý do đặc biệt bởi những khó khăn về mặt nội tình (nhân sự, tổ chức). Hoạt động tình báo, ai cũng biết, là một cuộc dấn thân, chấp nhận may rủi, hy sinh thầm lặng cả trong thời chiến lẫn thời bình. Vậy nên, nếu Vũ Bằng có gặp những khúc khuỷu, gập ghềnh của nghề này thì nó cũng là một định mệnh, một số phận. Mà không riêng gì Vũ Bằng.
Phạm Xuân Ẩn cũng vậy, như chúng ta biết. Và bao nhiêu chiến sĩ tình báo khác. Những anh hùng có danh và vô danh - những người “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Có thể nói, Vũ Bằng là một người anh hùng trong nghĩa rộng của từ này. Nếu cuối đời ông có đóng vai con người cô đơn thì ắt đó cũng là số phận.