Sáng 4/11, phát biểu bế mạc Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ 3, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Để chứng minh cụ thể cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả những quyết định của HĐND tỉnh, TP trong việc ban hành Nghị quyết liên quan đế phát triển kinh tế xã hội, Thường trực HĐND, UBND TP Hà Nội lựa chọn gắn kết hợp 2 nội dung đó là “Giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố năm 2017” và trao đổi kinh nghiệm trong việc nâng cao năng lực quyết định của HĐND cấp tỉnh, TP.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tính đến nay, TP Hà Nội đã ký kết giao thương với 20 tỉnh, TP trong cả nước. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, trong 5 năm qua, HĐND TP Hà Nội đã ban hành 5 nghị quyết về lĩnh vực này, từ quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020; thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp… Từ đó, kết quả hợp tác giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh có nhiều tiến bộ; thu hút nhiều nhà đầu tư về lĩnh vực này. Về hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, TP vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: HĐND các tỉnh, TP đã chia sẻ sâu sắc các kỹ năng, kinh nghiệm trong thực hiện chức năng quyết định của HĐND cấp tỉnh, thể hiện sự tâm huyết đối với hoạt động của HĐND. Trong đó, đều đi đến thống nhất bài học kinh nghiệm trong việc nâng cao năng lực quyết định của HĐND. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội chỉ ra, cần bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả hoạt động của HĐND. Song tùy vào tình hình thực tế, HĐND mỗi tỉnh, TP đều có những cách làm riêng hay, sáng tạo, nhưng đều chung một mục đích để mỗi nghị quyết được ban hành đều phải sát thực tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và cả nước. Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, muốn làm được điều đó, trong đó Thường trực HĐND đóng vai trò quan trọng. Thường trực HĐND phải chủ động lựa chọn vấn đề, nắm chắc yêu cầu và đưa ra quyết định sát thực tiễn, đúng luật, đáp ứng được sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hoặc những vấn đề cử tri quan tâm, cần giải quyết. Nhưng quyết định phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn liên quan đến nguồn lực của địa phương. Nghị quyết phải phù hợp nguyện vọng Nhân dân nhưng đảm bảo đi vào cuộc sống. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho rằng, bên cạnh sự chủ động sáng tạo của Thường trực HĐND, các Ban HĐND trong đổi mới phương thức hoạt động, thì việc tăng cường công tác phối hợp giữa HĐND, UBND và các cơ quan trong hệ thống chính trị; chú trọng công tác phản biện xã hội và lấy ý kiến của Nhân dân đối với các Nghị quyết của HĐND là việc làm không thể thiếu và rất cần thiết. Bởi thông qua đó, HĐND lắng nghe được nhiều ý kiến của các người dân, để tiếp thu và đưa vào nghị quyết.Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ: Đối với Hà Nội, từ nhiều năm nay, trước mỗi kỳ họp HĐND TP, Thường trực HĐND, UBND đều phối hợp với Ủy ban MTTQ TP tổ chức Hội nghị phản biện xã hội để lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học; đăng tải công khai dự thảo các nghị quyết trên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, Trang TTĐT của HĐND TP để Nhân dân cùng tham gia ý kiến. Đây là cơ sở để các Ban thẩm tra và cung cấp thông tin cho đại biểu khi thảo luận, thông qua nghị quyết. Do đó mỗi nghị quyết khi đưa ra tại kỳ họp đều bảo đảm các quy trình, quy định của Luật, đúng thẩm quyền và tính khả thi cao. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh việc phải giám sát đến cùng việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND, nhưng cũng phải đổi mới hình thức giám sát như giám sát bằng hình ảnh, giám sát qua khảo sát, giám sát qua văn bản. Qua đó phát hiện những vương mắc, chưa phù hợp, để phối hợp với UBND sửa đổi hoặc thay thế Nghị quyết. Đồng thời trong giám sát phải phối hợp với Thành ủy, các cơ quan kiểm tra để xử lý các vi phạm...Và để thực hiện những nội dung trên, theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, cần các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của HĐND, đặc biệt là chất lượng tổ chức, bộ máy HĐND. Trong đó, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu mà nòng cốt là đại biểu chuyên trách. Đối với TP Hà Nội, số lượng đại biểu chuyên trách tại cơ quan HĐND Thành phố từ 14% nhiệm kỳ 2011-2016 tăng lên 20% nhiệm kỳ 2016- 2021. Nhờ đó, hoạt động của các Ban HĐND TP có chuyển biến rõ rệt, các hoạt động khảo sát, giám sát, thẩm tra được thực hiện bài bản, đi vào chiều sâu và có chất lượng.... Từ đó, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chức năng quyết định của HĐND TP...Chủ tịch HĐND TP cũng chỉ rõ, Hội nghị lần này thành công đã khẳng định sự quan tâm và quyết tâm chính trị rất cao của HĐND các tỉnh, thành phố trong việc nâng cao hiệu lực hiệu quả chức năng quyết định của HĐND. Điều đó cũng đã được chứng minh bằng thực tế kinh tế xã hội khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ trong nhiều năm qua luôn có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước.