Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Các địa phương phải giải quyết sạch rác tồn đọng trước 15/10

Linh Chi - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/9, phát biểu tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, trong tháng 9 và muộn nhất là 15/10/2017, các quận, huyện phải giải quyết hoàn toàn những điểm rác tồn đọng trên địa bàn.

Trước những câu hỏi đặt ra của các đại biểu HĐND TP và ý kiến trả lời của đại diện các sở ngành, quận, huyện tại phiên giải trình do Thường trực HĐND TP tổ chức sáng nay (12/9), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời, làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành, quản lý Nhà nước tại TP đối với hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý hồ nước khu vực nội thành.
Chỉ đạo quyết liệt, sát sao

Chủ tịch UBND TP cho rằng, từ đầu năm 2016, lãnh đạo UBND TP chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy mà trực tiếp là Bí thư Thành ủy liên quan đến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường (VSMT), từ thu gom rác thải, xử lý ô nhiễm của các hồ nước, xử lý rác thải và chất thải rắn, chất thải xây dựng, ô nhiễm không khí…
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình.
UBND TP xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của khóa này và tại phiên họp HĐND TP tháng 6/2016 cũng xác định là 1 trong 5 nội dung để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, nên đã xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai.

Cuối tháng 5/2016, Ban Cán sự UBND TP đã cử Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng dẫn đầu đoàn công tác gồm các đại diện sở ban ngành, các công ty VSMT tham quan hội chợ triển lãm về trang thiết bị môi trường của châu Âu tại Đức, để tiếp cận các công nghệ mới, các hãng nước ngoài, đưa ra các tiêu chuẩn tiêu chí để cơ giới hóa việc thu gom xử lý rác thải, xử lý ô nhiễm ao hồ, lựa chọn nhà thầu, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải…

TP cũng đã giao Sở Tài chính chủ trì, cùng Sở Xây dựng và Sở TN&MT rà soát toàn bộ quy trình, đơn giá định mức trong vấn đề thu gom vận chuyển, xử lý rác thải; trực tiếp lãnh đạo TP đã đến đối thoại với người dân khu xử lý rác thải Nam Sơn, Xuân Sơn và các khu khác, để lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng của người dân xung quanh các vùng bị ô nhiễm.

Liên quan đến công khai các đơn vị thu gom xử lý rác thải, TP đã tổ chức đấu thầu, đấu giá công khai việc vận chuyển này. Để có thời gian chuẩn bị, TP thông báo từ tháng 6/2016, đến tháng 12/2016 mới yêu cầu nộp hồ sơ thầu và đến 1/3/2017 mới thực hiện đơn giá mới.

Trên cơ sở đó, UBND TP đã báo cáo và HĐND TP đã ra Nghị quyết 41 ngày 19/6/2016 phân cấp toàn bộ việc quản lý, đôn đốc việc vận chuyển thu gom rác thải thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có trách nhiệm của các sở, ngành và trực tiếp UBND TP cũng tích cực đôn đốc tổ chức thực hiện từ đó đến nay.

Đồng thời, TP đã tổ chức đấu giá một cách công khai minh bạch; các công ty tự tính đơn giá định mức và đánh giá thực trạng các tuyến đường thu gom, do các quận huyện đưa lên, trên cơ sở tổ liên ngành của TP đã thẩm định và tổ chức đấu thầu rộng rãi.

Chủ trương của TP là trên mỗi quận, huyện lựa chọn 1 đơn vị với tiêu chí cụ thể, tránh tình trạng trước đây mỗi địa bàn 3 - 4 đơn vị nên lẫn lộn, đổ trách nhiệm cho nhau. Cùng với đó, UBND TP cũng đưa vấn đề này ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2016 để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các nhà máy xử lý rác thải tại Xuân Sơn, Nam Sơn, Thịnh Liệt (Thanh Trì) và Đồng Ké (Chương Mỹ).

TP đã giao Sở Xây dựng chủ trì chỉ đạo Công ty thoát nước Hà Nội cùng các nhà khoa học Đức tổ chức hội thảo, đưa kỹ thuật Redoxy-3C vào xử lý ô nhiễm chất lượng nước các hồ, đến nay đã xử lý được 85/122 hồ. Có thể nói, công nghệ này có giá thành, công nghệ rất phù hợp với Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.

Vẫn nhức nhối tình trạng đổ trộm, xả rác bừa bãi

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, trong khi Ban Cán sự UBND TP đã đôn đốc quyết liệt như vậy, cùng với nhiều hoạt động được triển khai tích cực thì vẫn còn rất nhiều tồn tại. Trước hết là sự vào cuộc của lãnh đạo các quận, huyện, phường, xã chưa quyết liệt, thậm chí có nơi thiếu trách nhiệm.

Rõ ràng, một bộ phận lãnh đạo các quận, huyện và đặc biệt tại phường, xã thiếu trách nhiệm. Song song với đó là ý thức của các công ty môi trường đô thị, dù đã đấu thầu xong nhưng thực hiện không nghiêm túc. TP đã cho phép trong vòng 90 ngày, các đơn vị này phải thực hiện cơ giới hóa, hay trong 90 ngày phải công khai toàn bộ phương án thu gom vận chuyển rác thải cho người dân tại địa bàn biết, nhưng đến nay gần như chỉ tại các quận công khai, còn các huyện không công khai, nên người dân không giám sát được.

“Ngay khi xảy ra sự cố ở bãi rác Xuân Sơn, chúng tôi đã chỉ đạo phải phân luồng, chuyển toàn bộ rác về bãi Nam Sơn. Với việc vận chuyển bị xa hơn thì TP sẽ bù về đơn giá vận chuyển, còn với việc thu gom lẽ ra, xã và huyện vẫn phải xử lý bình thường. Tuy nhiên, để xảy ra tồn đọng đến hơn 10.000 tấn rác như hiện nay là thuộc trách nhiệm của xã, của huyện”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu rõ.
 Toàn cảnh phiên giải trình.
Liên quan đến tình trạng vứt rác, xả thải bừa bãi, Chủ tịch UBND TP cho rằng, đây là do một bộ phận người dân và ngay các công ty liên quan đến các đơn vị nhận hợp đồng vận chuyển rác thải rắn từ các nhà dân ra nhưng sau đó tìm cách đổ trộm bừa bãi, nhất là từ bên kia cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì sang nội đô, bãi rác trùm kín bờ sông, tính ra đến hàng triệu tấn rác đổ trộm.

Các lực lượng chuyên ngành, Công an TP, thanh tra xây dựng các quận huyện đã được chỉ đạo nhưng đến nay chưa bắt được vụ đổ trộm nào. Ngoài ra, các địa bàn giáp ranh cũng còn tình trạng đổ trộm, rồi đổ trách nhiệm cho nhau. Trong công tác thu gom vận chuyển, còn có tình trạng trộn lẫn giữa rác thải sinh hoạt và rác thải xây dựng. Đồng thời, còn tình trạng lấn chiếm đổ bừa bãi xuống lòng ao hồ…

Trong khi, các công ty không nghiên cứu kỹ về địa điểm đặt thùng rác, thậm chí có những nơi đặt cả trước cơ quan ngoại giao, trước cửa nhà dân; dù trước đó TP đã yêu cầu khảo sát nghiên cứu kỹ địa điểm để đặt thùng rác cho hợp lý nhất.

Giải quyết sạch rác tồn đọng trước ngày 15/10

Ngay tại phiên họp, nhấn mạnh với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã tới đây xác định rõ trách nhiệm liên quan đến thu gom, vận chuyển, xử lý rác, xử lý ô nhiễm ao hồ, chống đổ trộm phế thải.

“Trong tháng 9 và muộn nhất là 15/10/2017, các quận huyện phải giải quyết hoàn toàn các điểm rác tồn đọng trên địa bàn. Sở Xây dựng phải thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác này, yêu cầu các công ty vận chuyển hết lượng rác tồn đọng. TP sẽ bổ sung vào đơn giá trong hợp đồng nếu đơn vị vận chuyển xa hơn”, Chủ tịch nêu rõ.

Đối với rác thải xây dựng, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP hiện có một số DN đứng ra nhập máy nghiền để tận dụng nguồn nguyên liệu phế tải đập từ các tòa nhà, tận dụng nghiền ra thành cát. TP đã chọn địa điểm ở Hoàng Mai, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, đề nghị sớm triển khai.

Trong đó, khi quận huyện cấp phép cho các nhà dân có việc phá dỡ này phải trình rõ về Công ty ký hợp đồng về việc vận chuyển và nơi đổ, để tránh tình trạng đổ trộm. Đồng thời, Sở Xây dựng cần thường xuyên tổ chức các đoàn kểm tra lập biên bản xử lý.

“UBND TP vừa họp các công ty mội trường đô thị và công bố sau 90 ngày, TP kiểm tra nếu đơn vị nào chưa hoàn thành tiêu chuẩn, tiêu chí theo các yêu cầu của gói thầu, hoặc vừa rồi bỏ qua không thu gom vận chuyển rác thải, tới đây chúng tôi sẽ mời lên đối thoại, trong đó có những đơn vị sẽ bị TP cắt hợp đồng. Vì thực tế, TP đã tổ chức đấu thầu 3 năm 10 tháng để tạo điều kiện cho họ rồi, vừa qua cũng đối thoại 3 lần để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong đó có giảm tối đa chi phí không cần thiết cho họ”, Chủ tịch nêu rõ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu Công ty thoát nước Hà Nội cùng các nhà khoa học nước ngoài và trong nước tiếp tục nghiên cứu triển khai công nghệ tiên tiến để xử lý các ao hồ, nước rỉ rác ở Nam Sơn, Xuân Sơn…

Sở TT&TT và các quận, huyện, phường, xã cần tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc xả rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi nơi công cộng. Công an TP cần đôn đốc lực lượng cảnh sát môi trường TP và các quận huyện tăng cường lực lượng thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng tăng cường thanh tra kiểm tra để bắt giữ, xử lý những đối tượng đổ trộm phế thải xây dựng đang rất nhức nhối trên nhiều tuyến đường.

Sở Xây dựng cùng Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thu gom vận chuyển xử lý rác thải, yêu cầu các công ty thu gom rác thải độc hại tại bệnh viện có hợp đồng cụ thể, có hợp đồng vận chuyển, để tránh tình trạng không thu gom mà vứt rác bừa bãi. Ngoài ra, đề nghị các đại biểu HĐND các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện của Sở Xây dựng và các quận, huyện, phường, xã trong công tác này, nhất là các đại biểu HĐND TP.

“Cá nhân tôi cũng thay mặt lãnh đạo UBND TP đề nghị người dân Thủ đô nâng cao ý thức chấp hành nội quy nơi công cộng về việc vứt rác đúng nơi quy định, tại nơi sinh hoạt thì đổ rác đúng giờ và đổ vào thùng”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.