Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử tại cơ quan và nơi công cộng

Minh Tường - Thùy Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị quán triệt các CBCCVC, người lao động thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử tại cơ quan và nơi công cộng, nhất là từ lãnh đạo phải gương mẫu.

Thủ tục liên quan đến tổ chức mai táng cho người dân phải được ưu tiên giải quyết 
Chiều 28/7, tại trụ sở UBND TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến để triển khai Kế hoạch 160 ngày 3/7/2017 của UBND TP về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, đồng thời sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy về cải cách hành chính (CCHC) và công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2016.

Lắng nghe 14 ý kiến tham luận tại hội nghị giao ban trực tuyến chiều 28/7, nhấn mạnh về công tác CCHC của TP thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị cũng cần quán triệt các CBCCVC, người lao động thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử tại cơ quan và nơi công cộng, nhất là từ lãnh đạo phải gương mẫu. 

Bên cạnh đó, cần rà soát mọi đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân; hàng tuần, hàng ngày cần phân công cán bộ giải quyết ngay, không để kéo dài. 
 Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị.
Đặc biệt, từ cấp sở, cấp huyện đến cấp xã cần chú ý quy trình giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa, một cửa liên thông. “Sự việc tại bộ phận Một cửa phường Văn Miếu những ngày qua cho thấy, mọi thủ tục liên quan đến tổ chức mai táng cho người dân phải được ưu tiên giải quyết ngay, và việc UBND phường đưa cán bộ hợp đồng làm tại “Một cửa” cũng sai hoàn toàn. Các cơ quan đơn vị khác trên toàn TP phải rút kinh nghiệm ngay, lấy đây là bài học sâu sắc”, Chủ tịch UBND TP khẳng định.

Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền TP cũng lưu ý, người dân đang rất quan tâm đến tư thế, tác phong phục vụ của CBCC, từ trưởng, phó phòng đến, chủ tịch, phó chủ tịch quận, huyện, xã, phường cần sớm chấn chỉnh. 

Trong đó, với riêng Phòng Thẩm định-Sở Xây dựng, nếu tiếp tục còn nhận được nhiều đơn thư của các quận, huyện thì cần xem xét thay trưởng phòng; Chủ tịch lưu ý, Giám đốc Sở Xây dựng: “Nếu bản thân nội bộ mình không cải cách thì không thể cải cách được việc phục vụ người dân, DN”. 

Liên quan đến cấp đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT, hiện tỷ lệ làm trên mạng mới đạt thấp, nhiều DN phản ánh, muốn được tư vấn cũng mất 2-3 triệu đồng, chủ tịch yêu cầu cần chấm dứt ngay tình trạng này. 

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu hàng tháng, từ Sở Nội vụ đến các phòng Nội vụ tại quận, huyện cần tổ chức nhiều hơn các đoàn kiểm tra công vụ để kịp phát hiện sai sót, chấn chỉnh, kiểm điểm ngay với những cán bộ phục vụ người dân chưa tốt. Trên cơ sở chỉ số CCHC năm 2016 được công bố, các đơn vị cần phân tích xem chỉ số thành phần, lĩnh vực nào còn yếu thì xây dựng ngay kế hoạch để khắc phục, cùng với duy trì những điểm tốt, để làm sao sang năm nâng được chỉ số này của toàn TP. 

Đối với công tác ứng dụng CNTT trong CCHC, các đơn vị, nhất là tại cấp xã, cần đôn đốc cán bộ đi tập huấn nghiêm túc để đáp ứng việc TP sẽ ngày càng ứng dụng CNTT mạnh mẽ hơn, trong đó xác định học nhiều là để làm việc chứ không phải để lấy chứng chỉ.
Vận động người dân trồng hoa trước cửa nhà, trên ban công
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan phải tăng cường quản lý chất thải xây dựng. Yêu cầu các công trình xây dựng muốn được cấp phép phải xuát trình đầy đủ các hợp đồng thu gom, xử lý chất thải trong quá trình phá dỡ, khoan nhồi cọc móng...
“Hiện TP đã triển khai áp dụng dây chuyền nghiền, tận dụng chất thải xây dựng làm nguyên liệu phục vụ chính việc thi công các công trình. Sở Xây dựng khi cấp phép cũng phải yêu cầu chủ đầu tư các công trình phải có hợp đồng liên quan đến thu gom, xử lý, tái chế chất thải xây dựng” – Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Xây dựng và chính quyền địa phương phải đôn đốc, giám sát các công trình xây dựng thực hiện nghiêm túc quy định che chắn, phun nước khi phá dỡ, thi công để đảm bảo hạn chế bụi bặm gây ô nhiêm môi trường.

Liên quan đến vấn đề thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu: “Các quận huyện phải tăng cường giám sát, kiểm tra đơn vị VSMT không để tồn đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong dư luận Nhân dân”.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu chính quyền, đoàn thể các địa phương phải tích cực xây dựng phong trào tuyên truyền, vận động người dân vứt rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

Đặc biệt là địa phương có khu vui chơi giải trí, di tích, thắng cảnh lại càng phải có biện pháp tuyên truyền tích cực hơn nữa, không để người dân vứt rác bừa bãi.

Sắp tới, TP sẽ xây dựng kế hoạch phổ biến, vận động người dân phân loại rác thải ngay từ hộ gia đình để nâng cao hiệu quả thu gom, tiết kiệm chi phí vận chuyển, xử lý rác thải.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, sắp tới TP sẽ thiết kế trồng cây hoa dưới tầng thấp để thay thế dần cỏ trên các tuyến đường giao thông. Vận động người dân có nhà mặt phố trồng hoa trên ban công, trước cửa nhà để thêm mảng xanh và tạo cảnh quan đô thị.

Về vấn đề nước sạch nông thôn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các địa phương tạo điều kiện tối đa cho các công ty tổ chức thi công lắp đặt hệ thống để đẩy nhanh tiến độ cung cấp nước sạch nông thôn. 

Nhóm dịch vụ hành chính lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp được hài lòng nhất

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn đã thông tin về kết quả khảo sát xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính TP Hà Nội năm 2016.

Theo đó, cá nhân và tổ chức khá hài lòng về toàn bộ quá trình giải quyết TTHC đối với cả 4 nhóm dịch vụ hành chính được khảo sát. Trong đó, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính trong nhóm dịch vụ hành chính lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp đạt cao nhất, với 84,41%; lĩnh vực người có công đạt 81,44%; lĩnh vực bảo trợ xã hội đạt 73,89%; lĩnh vực lao động việc làm đạt thấp nhất 67,8%. Các gợi ý, kiến nghị của người dân cho thấy: Trong 2 lĩnh vực lao động việc làm và bảo hiểm thất nghiệp, nhiều người kiến nghị nhất việc tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Với lĩnh vực người có công, việc đơn giản hóa các giấy tờ, giảm bớt các yêu cầu và tạo thuận lợi hơn cho người dân khi giải quyết TTHC là kiến nghị được nêu nhiều nhất. Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, có nhiều ý kiến lại cho rằng cần linh động hơn trong các tình huống khi khách đến liên hệ công tác có thiếu giấy tờ liên quan. (Thùy Linh)


Sở TN&MT TP đã tập trung vào 3 nhóm nhiệm vu chính: rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục hành chính (giảm gần 30% thời gian thực hiện); nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong nội bộ; từng bước hiện đại hóa nền hành chính phục vụ Nhân dân, trong đó tập trung thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4) trong quản lý hành chính.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Hữu Nghĩa


Bên cạnh những điểm sáng trong cải cách TTHC, trong thời gian qua còn một số những tồn tại: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở khối Sở còn thấp. Nhận thức cán bộ còn hạn chế trong việc ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính. Tỷ lệ người dân trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng chưa cao. Đặc biệt, việc các bộ triển khai thông tin theo “chiều dọc” mà không có sự liên thông với các sở, ngành liên quan, dẫn đến việc chồng chéo nhiệm vụ, khó khăn trong việc kết nối để giải quyết thủ tục.

            Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú


Thay mặt tập thể cán bộ công chức, viên chức phường Văn Miếu, tôi xin nhận trách nhiệm về việc đáng tiếc của phường vừa qua. Đây là sự việc hy hữu, lần đầu tiên xảy ra tại phường. Tập thể UBND phường đã có buổi họp rút kinh nghiệm sâu sắc về sự việc vừa rồi và xin hứa sẽ không để sự việc tương tự xảy ra nữa. Sau khi có kết luận của Thanh tra công vụ TP thì sẽ xác định ai đúng, ai sai để xử lý nghiêm. 

Chủ tịch UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa) Vũ Mai Khanh

(Thủy Tiên ghi)