Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV - kỳ họp dự kiến khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay.
39 nội dung sẽ được xem xét tại Kỳ họp thứ 8
Theo đó, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 21/10/2024 và bế mạc vào sáng ngày 03/12/2024. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 21/10 đến 12/11/2024; Đợt 2 từ ngày 20/11 đến 03/12/2024. Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung về công tác lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan Quốc hội ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, thực chất và hiệu quả. Các cơ quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị từ sớm, từ xa, làm việc ngày, đêm để chuẩn bị cho các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội.
Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặc biệt lưu ý, cơn bão số 3 vừa qua diễn biến rất phức tạp, hậu quả để lại rất nặng nề và cho đến thời điểm này chưa thống kê hết những thiệt hại. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại thêm khó khăn mới, thách thức mới. Chính phủ phải đứng trước khó khăn, áp lực thêm trong việc thu, chi ngân sách, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo ổn định vĩ mô của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát và tăng giá các mặt hàng để đảm bảo đời sống cho người dân.
"Vì vậy, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục phối hợp thực chất, hiệu quả, thể chế kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chỉ rõ thời gian để thực hiện kết hoạch kinh tế - xã hội 5 năm chỉ còn hơn 1 năm nữa là kết thúc, bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của cơn bão số 3 rất nặng nề, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Những vấn đề nào Chính phủ điều hành, Chính phủ sẽ quyết định. Những nội dung nào vượt thẩm quyền của Chính phủ thì xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tất cả trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đó là, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế nhằm khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn. Tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, đảm bảo đời sống của Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Luật, nghị quyết có chất lượng hay không trước hết phải xuất phát từ cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định và Chính phủ. Khi Chính phủ trình sang Quốc hội thì trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội phải làm việc liên tục, bảo đảm phối hợp nhịp nhàng, thực chất để đạt hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, với những người đứng đầu các bộ, ngành cần phải đeo bám các dự án luật, nghị quyết đến cùng. Đồng thời, cần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng luật, đảm bảo đơn giản hóa, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ... để những việc chưa thống nhất, chưa đồng thuận giữa các cơ quan thẩm tra và soạn thảo sẽ được thực hiện theo tinh thần "khó đến đâu, gỡ đến đó".
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ tiến hành thảo luận để thống nhất một số nội dung, chương trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Huy động mọi nguồn lực trong xây dựng pháp luật
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phối hợp của Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ ngày càng tốt hơn; cho biết, hội nghị nhằm rà soát công việc còn vướng mắc, cần phải thống nhất, để thúc đẩy và nâng cao chất lượng của kỳ họp. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị hai bên cần có sự phối hợp tốt từ khâu soạn thảo dự thảo luật, nghị quyết.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, các ngành tích cực, chủ động, phối hợp một cách chặt chẽ và hiệu quả với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Theo đó, ngoài việc phải thể chế hóa, cụ thể hóa, đường lối, chủ trương của Đảng để tổ chức thực hiện, các cơ quan tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, từ chỗ chỉ tập trung cho công tác quản lý, sang vừa tập trung cho công tác quản lý hiệu quả, nhưng lại vừa góp phần kiến tạo phát triển.
Theo Thủ tướng Chính phủ, phải đổi mới trong các cơ quan soạn thảo, cũng như các cơ quan thẩm định, trên cơ sở đó, mới huy động mọi nguồn lực. Bên cạnh đó, phải mở ra không gian mới, kiến tạo cho sự phát triển, để huy động mọi nguồn lực của xã hội, Nhân dân.
Thủ tướng cho rằng, tùy từng tính chất của các dự án luật để có thể đưa ra những quy định chi tiết, nhưng với những vấn đề còn đang biến động, có nhiều tác động thì nên khái quát. Công tác lập pháp phải được thực hiện trên tinh thần cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả và đa số đồng tình thì luật hóa. Còn những vấn đề chưa chín, chưa rõ, thực tiễn còn biến động, còn diễn biến tạp, khó lường thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần.
Bên cạnh đó, tập trung phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế các công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra. Với tinh thần nâng cao trách nhiệm dám nghĩ, dám làm và phân cấp, các bộ, ngành, địa phương phải quyết định và thực hiện sao cho hiệu quả. Bởi khi phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm sẽ dễ kiểm tra, dễ đánh giá, phân loại. Vì vậy, phân cấp triệt để sẽ tăng cường việc chịu trách nhiệm, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin – cho, đặc biệt là không tạo ra môi trường dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dự kiến có 6 dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp gồm: dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội Nhân dân Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm 6 dự án Luật này, các Bộ trưởng phải trực tiếp xem xét dự thảo Luật để bảo đảm chất lượng.