Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp hài lòng và đặt nhiều kỳ vọng với Hà Nội

Trang Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội trong năm qua được cộng đồng DN đánh giá là có chuyển biến tích cực và rõ nét. Tuy nhiên, các DN vẫn kỳ vọng Hà Nội có thêm đột phá trong các quy trình thủ tục đầu tư kinh doanh, và hơn cả họ mong muốn Hà Nội với vị thế là Thủ đô của cả nước, có thể định vị được mình trong tương quan so sánh với các trung tâm kinh tế lớn khu vực như: Singapore, Hongkong…rn

 Chủ tịch phòng thương mại & công nghiệp Việt nam Vũ Tiến Lộc
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị trước thềm Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư & phát triển”, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có nhiều chia sẻ và khuyến nghị đầy tâm huyết về môi trường đầu tư Hà Nội.

Dư địa cải cách còn rất lớn

Một năm sau Hội nghị xúc tiến đầu tư Hà Nội 2016, ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội?

- Quan sát trong một năm vừa qua rõ ràng đã thấy được những chuyển biến hết sức tích cực của môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội. Các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh được chính quyền Hà Nội tiến hành đồng bộ và mạnh mẽ. Đầu tư nước ngoài có dấu hiệu khởi sắc, nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã quan tâm hơn đến các cơ hội kinh doanh ở Hà Nội.

Các DN dân doanh trong nước cũng cảm nhận rõ chuyển động khá tích cực. Nó không chỉ thể hiện ở những hoạt động đối thoại, gặp gỡ DN được TP tổ chức thường xuyên và tích cực nhất trong năm vừa qua, mà còn thể hiện qua sự hài lòng của cộng đồng DN dân doanh trong các khảo sát DN của VCCI thời gian vừa qua.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 đã phản ánh đúng năng lực cạnh tranh của Hà Nội thời gian qua và Hà Nội còn dư địa để tăng tiếp chỉ số này?

- Trong kết quả điều tra PCI 2016 vừa qua, Hà Nội tăng 10 bậc, từ thứ hạng 24 lên 14 của bảng xếp hạng, vị trí cao nhất từ trước đến nay. Đây là một tín hiệu tích cực, một niềm vui cho Hà Nội.

Ngoài những chỉ số có vị trí cao truyền thống như: Đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ DN, một số chỉ số quan trọng có dấu hiệu cải thiện tích cực như chi phí thời gian, chi phí không chính thức… Điều này thể hiện các DN đang nhận thấy những chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tại Hà Nội. Hy vọng xu thế này sẽ giữ được bền vững.

Tuy nhiên, trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay, không chỉ Hà Nội chuyển động, tất cả các tỉnh, TP khác cũng rất nỗ lực. Các nước khác, các trung tâm khác cùng chuyển động. Do vậy, nếu Hà Nội có thay đổi so với chính mình, nhưng chuyển động chậm chạp hơn các trung tâm khác, thì vẫn có thể có nguy cơ bị tụt hậu. Nguy cơ nữa là Hà Nội lớn, khu vực DN cũng lớn hơn các địa phương khác, nên chuyển động thường khó hơn. Song đánh giá chung là dư địa cải cách của Hà Nội còn rất nhiều.

Năm ngoái, VCCI đã kiến nghị Hà Nội đẩy mạnh cải cách TTHC trên một số lĩnh vực trọng điểm: Thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai… Ngoài ra, VCCI cũng chỉ ra những phiền hà về thủ tục mà DN gặp phải khi muốn mở rộng kinh doanh, chi phí không chính thức… Theo ông, qua một năm, những vấn đề này đã được TP Hà Nội giải quyết?

- Dù tăng 10 bậc trong PCI 2016 nhưng một số lĩnh vực Hà Nội hiện vẫn thấp như: Chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số thiết chế pháp lý…

Ngay cả một số lĩnh vực có sự cải thiện mạnh như: Chi phí thời gian vẫn đứng ở vị trí 53/63 tỉnh, thành. Chỉ số gia nhập thị trường dù Hà Nội điểm khá cao, đạt 7,51 trên thang điểm 10, nhưng đang đứng vị trí 63/63 tỉnh, TP. Điều này cho thấy, các DN đang kỳ vọng vào sự thay đổi mạnh mẽ và bền bỉ của Hà Nội nhiều hơn nữa. Không gian và yêu cầu cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh của Hà Nội đang còn rất lớn.
 Giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Ảnh: Công Hùng
Cần có cơ chế hỗ trợ kịp thời nhà đầu tư

Theo ông, thời gian tới, Hà Nội cần quan tâm đến những vấn đề đổi mới nào?

- Tôi cho rằng, Hà Nội cần có đột phá trong thay đổi quy trình đối với nhà đầu tư (NĐT). Thực tế hiện nay, NĐT tiếp cận và hoàn thành toàn bộ quy trình đầu tư, nhất là có thủ tục liên quan đất đai tại Hà Nội rất phức tạp và mất nhiều thời gian, gặp rất nhiều khúc mắc khi làm việc với nhiều ngành, nhiều cấp. Cần có một quy trình thống nhất, khoa học và minh bạch. Có một cơ chế để phản ứng, hỗ trợ kịp thời khi NĐT gặp khó khăn. Đây cần là ưu tiên của TP trong thời gian tới.

Có lẽ Hà Nội cần định vị mình trong tương quan so sánh không chỉ với các tỉnh, TP của cả nước mà phải so với các trung tâm kinh tế lớn của khu vực như Singapore, Hongkong… Liệu khi Việt Nam đặt kế hoạch tham vọng so sánh được với các nước ASEAN 4 về các tiêu chí môi trường kinh doanh ngay trong năm 2017 này thì Hà Nội có thể đặt ra một số tiêu chí về môi trường kinh doanh để đuổi kịp Singapore, Hongkong trong những năm tới hay không?

Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức là một điểm trừ được nhiều DN phản ánh tại Hội nghị năm trước. Vậy, theo đánh giá của ông, tình hình đến nay có được cải thiện và DN đã hài lòng với chất lượng cán bộ hiện tại?

- Đúng là đội ngũ cán bộ công chức là một yếu tố quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất đối với sự vận hành hiệu quả của bất kỳ bộ máy hành chính nào, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh. Một số chỉ số trong hệ thống chỉ số của VCCI như: Tính năng động, tính minh bạch, chi phí không chính thức, chi phí thời gian, Hà Nội vẫn nằm ở nhóm sau của cả nước, cho thấy rằng chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức là vấn đề cần ưu tiên cải cách.

Ông Henry Steingass - Giám đốc khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ: Doanh nghiệp cảm thấy được khuyến khích 

Từ quan điểm của mình, tôi cho rằng, Hà Nội có nhiều lợi thế để thu hút vốn từ DN nước ngoài. Hà Nội là một TP có sức thu hút nhờ khả năng phát triển, lực lượng lao động chất lượng cao, có năng suất cao. Nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tốt chính là các yếu tố mà các nhà đầu tư tìm kiếm.

Ngoài ra, tôi đã nghe bài phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị TP thông minh Hoa Kỳ - Việt Nam tại Hà Nội. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã liệt kê rõ ràng và dễ hiểu những lợi thế mà Hà Nội có thể cung cấp và hỗ trợ các nhà đầu tư. Một điều rất quan trọng là Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng trình bày các kế hoạch cải thiện khu vực ngoại thành.

Tôi đến Hà Nội 2 năm trước và sự thay đổi trong lĩnh vực giao thông của Hà Nội là rất đáng kể. Nhiều cây cầu và đường sá được xây mới từ sân bay đến khu trung tâm. Yếu tố hạ tầng rất quan trọng đối với các nhà đầu tư. Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh về việc TP cam kết sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, một số thách thức của Hà Nội phải đối mặt là cần tiếp tục hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cơ bản, vấn đề giao thông cần được cải thiện và tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhưng điều quan trọng là thái độ người đứng đầu chính quyền TP đã rất cởi mở trao đổi về những vấn đề Hà Nội gặp phải và cần giải quyết như ứng dụng công nghệ thông tin, triển vọng của TP và những việc cần triển khai.
Lưu ý rằng không chỉ chất lượng chuyên môn của cán bộ công chức, vì xét về bằng cấp, trình độ thì đội ngũ cán bộ công chức của Hà Nội luôn được đánh giá cao. Điều quan trọng là động lực làm việc, sự chuyên nghiệp, sự hỗ trợ và đồng hành với DN của đội ngũ cán bộ công chức. Muốn đảm bảo điều này cần có sự sàng lọc, sự giám sát và cơ chế tạo động lực cho cán bộ công chức, nhất là những công chức nào thường xuyên tiếp xúc với DN.

Tôi tin chính quyền Hà Nội đã ý thức được rõ thách thức này và đang hành động quyết liệt, TP chọn chủ đề năm 2017 này là “Năm kỷ cương hành chính” thể hiện rất rõ điều đó.

Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì vấn đề tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị cũng đang là băn khoăn của nhiều NĐT khi đặt chân đến Hà Nội. Ông có kiến giải nào giúp Hà Nội giải quyết các vấn đề này?

- Tôi cho rằng, cần giải quyết bài toán về sự quá tải của đô thị ngay trong xúc tiến đầu tư. Hà Nội cần hướng đến thu hút được các luồng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng cao, có công nghệ, có ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đây là những dự án vốn đầu tư lớn, tạo ra giá trị gia tăng cao, tham gia cao hơn, sâu hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu… nhưng lại sử dụng lao động ít, cần ít mặt bằng, nhà xưởng. Hà Nội đang có lợi thế về lao động trình độ cao với giá nhân công cạnh tranh so với các trung tâm khác của khu vực, lại có dịch vụ phát triển, gần sân bay quốc tế… nên có lợi thế hơn các trung tâm khác trong cả nước để thu hút nguồn vốn này.

Nhưng muốn thu hút được nguồn vốn này cần phải cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn. Nghiên cứu của VCCI cho thấy, nhóm NĐT này ngoài chất lượng hạ tầng, chất lượng nhân lực ra có yêu cầu cao về chất lượng điều hành. Họ cần một môi trường kinh doanh minh bạch, TTHC chuyên nghiệp hơn nhiều so với các NĐT thông thường khác.

Xin cảm ơn ông!

Deborah Wetzel - Giám đốc cấp cao Khối nghiệp vụ toàn cầu về quản trị nhà nước (WB):Cải cách cần tham khảo mô hình Singapore

Những bước phát triển thần kỳ của Singapore là nhờ nước này đã xây dựng được hệ thống pháp luật hoàn thiện, nghiêm minh, công bằng và hiệu quả, một môi trường kinh doanh ổn định, hấp dẫn cho các NĐT nước ngoài. Chỉ nói về thủ tục cấp giấy phép thôi cũng khá đơn giản, thuận tiện. Có những dự án xin cấp giấy phép rồi đi vào sản xuất chỉ trong vòng vài tháng, có những dự án chỉ trong vòng 49 ngày. Hiện tượng này được gọi là “kỳ tích 49 ngày” ở Singapore. Hà Nội cần triển khai mạnh mẽ các biện pháp để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện. Đó là những căn cứ pháp lý quan trọng làm nền tảng xây dựng các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội cho TP trong thời gian tới.

Công sứ Nagai Katsuro - Phụ trách vấn đề kinh tế, Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội: Nguồn lao động chất lượng cao là lợi thế

Quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam trong kinh tế cũng như các lĩnh vực khác rất tốt đẹp. Về đầu tư, đã có hơn 1.500 DN Nhật Bản đầu tư vào khắp các khu vực Bắc, Trung, Nam và 2.500 DN Nhật không chỉ có hoạt động đầu tư mà còn có văn phòng đại diện chi nhánh tại Việt Nam.

Hiện tại, môi trường đầu tư của Hà Nội đang được thúc đẩy, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đang thực hiện, đường cao tốc nối các khu vực xung quanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến đầu tư. Chính phủ Nhật Bản rất mong muốn hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng và hoàn thiện môi trường đầu tư với Hà Nội thông qua các dự án như xây dựng cầu Nhật Tân, khu công nghệ cao Hòa Lạc... Ngoài ra, nhiều công ty Nhật Bản đang xem xét mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bán lẻ và nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Công khai dự án để mời gọi đầu tư

Hà Nội đang "trải thảm" mời gọi các DN, NĐT và thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020. Việc công khai danh mục, danh sách dự án kêu gọi đầu tư được xem là cách huy động tốt nhất nguồn vốn để triển khai, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Trong công tác quy hoạch, Hà Nội nên huy động sự tham gia của cộng đồng và các hình thức hợp tác quốc tế; đồng thời đổi mới xu hướng phát triển, với kiến trúc xanh, đô thị xanh để giải quyết vấn đề môi trường, bởi Hà Nội còn nhiều tồn tại trong vấn đề xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường, quá tải bệnh viện, quá tải các trường học công…

TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tếGhi nhận những cải thiện vượt bậc

Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư & phát triển” đã trở thành dấu mốc đánh dấu giai đoạn mới trong triển khai công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư của Thủ đô.

Ngay sau Hội nghị năm 2016, TP nỗ lực triển khai một loạt hành động cụ thể và đẩy mạnh hơn vào năm 2017 - “Năm kỷ cương, hành chính”. Cùng với việc mở rộng cơ chế “một cửa” trong tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị trong một lần cho DN, TP đã thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN, tập trung vào các vấn đề về tiếp cận vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ, ứng dụng KHCN và hỗ trợ pháp lý, tư vấn, đào tạo về chiến lược xây dựng và phát triển các thương hiệu DN hoặc thương hiệu sản phẩm; xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 14.000 và ISO 22.000… Những nỗ lực này đã góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của DN và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với DN.

Có thể thấy, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và cả những nỗ lực đồng bộ trên thực tế trong quản lý Nhà nước nói chung, trong công tác xúc tiến đầu tư và hợp tác phát triển nói riêng. Những thành công bước đầu nêu trên là rất đáng ghi nhận, và Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư & phát triển” sẽ tiếp tục bổ sung phương hướng và động lực để TP kiên trì đồng hành cùng cộng đồng DN và cả nước, tiếp tục vượt qua những thách thức, phản ứng linh hoạt và hiệu quả hơn với những động thái thị trường, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả cạnh tranh kinh tế và quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Ông Lee Jong SuTổng giám đốc công ty cổ phần A- sen Kovi: Các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng

Hà Nội là TP có rất nhiều khu công nghiệp (KCN) quan trọng như: KCN Thăng Long I, Nội Bài, KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội… Có thể nói, Hà Nội có được một lợi thế hiển nhiên so với các tỉnh, thành khác trong việc thu hút đầu tư. Hà Nội sẽ đạt 9 triệu dân vào năm 2030, vì vậy sẽ có nhu cầu rất lớn về nhà ở và các dịch vụ đi kèm như y tế, giáo dục... Do đó, để có thể thành công vượt trội so với các tỉnh, thành trên toàn quốc trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Hà Nội hãy thực hiện những điều mà chỉ có Hà Nội mới làm được. Các NĐT nước ngoài sẽ hướng tới các động cơ khích lệ đầu tư, hấp dẫn và khác biệt.