Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Thông tin chính thống là điểm tựa cho doanh nghiệp

Hoàng Quyết (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/7, tại “Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2020: Cơ hội hợp tác và phát triển từ khủng hoảng Covid-19” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, chúng ta vừa trải qua những ngày tháng khó khăn đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kể cả “Covid y tế” và “Covid kinh tế”.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Các tổ chức đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, các thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng và doanh nghiệp đang bị “thấm đòn” Covid. Khả năng thanh khoản của doanh nghiệp đang giảm, công ăn việc làm của công nhân bị ảnh hưởng, đặc biệt 80% doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng của đại dịch.
Theo Chủ tịch VCCI, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch là nỗ lực rất lớn. Cùng với đó, việc Thủ tướng đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 3 đến 4% thể hiện quyết tâm cao trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân.
Nhắc lại thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, qua đại dịch chúng ta càng thấu hiểu niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
“Niềm tin chính là một trong những nguyên nhân bậc nhất tạo thành công của chúng ta. Để có được thành công về niềm tin đó, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng” - Chủ tịch VCCI nói.
Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh đầy rẫy những thông tin đa chiều, nhiều thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận thì những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa.
Báo chí đã tạo được sự chia sẻ đồng lòng trong cộng đồng để thực sự phát động được phong trào toàn dân chống dịch như chống giặc. Chính điều này đã tạo thành công cho Việt Nam trong công tác chống dịch Covid-19.
Bên cạnh thành công về chống dịch, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, cần từng bước mở cửa thị trường. “Dù hết sức cẩn trọng nhưng chúng ta cũng không thể chậm chân, là người đi trước trong chiến thắng dịch bệnh lại là người đi sau trong phát triển kinh tế”- TS Vũ Tiến Lộc lưu ý.
Dù dịch bệnh đã được đẩy lùi ở Việt Nam nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao, do đó, phục hồi doanh nghiệp và xây dựng gói hỗ trợ lần thứ hai cần được đẩy mạnh. Các nỗ lực cắt giảm thủ tục, thúc đẩy cải cách thể chế là yêu cầu tiên quyết.
Nhấn mạnh niềm tin về việc báo chí tiếp tục là “ngọn hải đăng” tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc mong báo chí góp phần vào cải cách môi trường kinh doanh.
Thực tế cho thấy, mối quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp luôn có vai trò quan trọng trong tiến trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và quá trình hội nhập, phát triển kinh tế đất nước nói chung. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên các cơ quan thông tấn, báo chí, giúp Chính phủ và các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành...
“Để phát triển doanh nghiệp, bên cạnh giữ vững kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường thì cần từng bước cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là biện pháp quan trọng nhất. Báo chí đang góp phần mạnh mẽ vào quá trình này” - Chủ tịch Vũ Tiến Lộc nói.
Được biết, VCCI đã có đề xuất với Quốc hội và Chính phủ về tiến hành tổng kiểm tra rà soát hệ thống pháp luật về kinh doanh, thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh.
“Qua báo chí, những ý kiến của doanh nghiệp đã đến được với các cơ quan lãnh đạo Nhà nước. Trên nghị trường Quốc hội, ngày càng nhiều Đại biểu Quốc hội trích dẫn thông tin trên báo chí. Các lãnh đạo Chính phủ cũng thường xuyên đưa ra những thông tin trên báo chí để yêu cầu các bộ ngành liên quan rà soát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”- Chủ tịch VCCI thông tin.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng soi mình trong tấm gương báo chí để có trách nhiệm với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Báo chí cần đưa tin đa chiều, không chỉ dựa vào một nguồn tin một chiều, mà cần thêm những ý kiến các bên, từ các chuyên gia. Thông tin chính xác hay không là vấn đề sinh tử với doanh nghiệp. Nguồn tin hay sẽ có thể giúp hồi sinh một doanh nghiệp, nhưng một tin dở có thể đẩy doanh nghiệp vào vực thẳm.
Trong thời gian khủng hoảng và nhạy cảm hiện nay thì số phận của nhiều doanh nghiệp đang rất mong manh, rất cần sự bao dung chia sẻ của dư luận, sự thấu hiểu, công tâm của các nhà báo chân chính.
Cùng với đó, chúng ta đang trong bối cảnh hội nhập, chúng ta không chỉ tuân thủ cam kết mà phải biết vận dụng những không gian thích hợp. Do đó, khi đưa tin về những vụ việc của doanh nghiệp liên quan thị trường quốc tế, cần lưu ý bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ đất nước vì doanh nghiệp là tài sản quốc gia.
“Đừng vô tình khi viết về doanh nghiệp dù chỉ là doanh nghiệp nhỏ vì sau đó là công ăn việc làm của người lao động, là sinh kế của các gia đình, là nguồn thu ngân sách và là chủ quyền kinh tế quốc gia” - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn cho rằng, trong cộng đồng doanh nghiệp cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, cần phê phán nhưng khi phê phán cũng cần có chữ tình, đừng đánh hội đồng, đừng chuộc lợi.
TS Vũ Tiến Lộc khẳng định tin tưởng rằng, báo chí cách mạng sẽ luôn là “ngọn hải đăng” để định hướng cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.