Nguyễn Văn Ngọc, quận Đống Đa, Hà Nội
Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) trả lời:
Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Theo khoản 13 Điều 3 của Luật này, “thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân”.
Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch, nếu không, sẽ không có giá trị pháp lý.
Căn cứ quy định nêu trên, khoảng thời gian 2 năm sống chung trước khi đăng ký kết hôn của các bạn không được công nhận là quan hệ vợ chồng. Hay nói cách khác, đó không được tính là thời kỳ hôn giữa hai bạn. Vì vậy, về nguyên tắc chiếc ô tô bạn mua không đương nhiên là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp có thỏa thuận nhập vào tài sản chung sau khi đăng ký kết hôn.
Trường hợp hai người cùng đóng góp để mua chiếc ô tô khi sống chung, nếu có thỏa thuận chia tài sản cũng không áp dụng quy định chia tài sản khi ly hôn, mà giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này như sau:
“1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.
Tài sản được xác định là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn sẽ được chia đôi, có tính đến đảm bảo hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. (lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập); bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Ngược lại, tài sản do hai người cùng đóng góp tạo nên nhưng không được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi có yêu cầu phân chia sẽ áp dụng quy định tại Điều 219 của Bộ luật Dân sự năm 2015 để thực hiện. Cụ thể:
“1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.
Tóm lại, bạn cần kiểm tra lại căn cứ hình thành tài sản trước khi vợ chồng bạn kết hôn là do một mình bạn tạo lập hay cả hai người cùng đóng góp; xác định đó là tài sản riêng của bạn hay thuộc sở hữu chung. Tiếp theo, đối chiếu với quy định của pháp luật nêu trên để biết có phải chia khi có yêu cầu chia hay không.