Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa đồng tình bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nêu rõ, việc triển khai đổi mới sách giáo khoa phổ thông thực hiện quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH14 đã có ưu điểm như thu hút được đông đảo đội ngữ trí thức, nhà giá, chuyên gia giới tham gia nên có sự cạnh tranh về mặt chất lượng, nội dung sách. Sách giáo khoa sẽ có thể có nội dung hay hơn, hình thức, chất lượng tốt hơn. Nhiều nhà xuất bản tham gia nên việc in ấn, phát hành diễn ra trong môi trường cạnh tranh, không còn dư luận về việc độc quyền như trước đây. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ có sự cạnh tranh giữa các Nhà xuất bản thông qua giá cả và chất lượng sách; có thể xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hình thức điều tiết giá hoặc tự định giá sách giáo khoa ở mức cao; mức giá bán cao thấp khác nhau tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn sách.
 Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trình báo cáo tai phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Mặt khác, qua so sánh ba phương án đã kê khai của sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020-2021 với các cuốn sách giáo khoa đã kê khai giá của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam năm 2019 thì cùng một quyển sách giáo khoa có thể dẫn đến mặt bằng giá cao hơn khoảng hơn 2 lần. Bên cạnh đó, do tác động của nhiều nguyên nhân như sản lượng in, chi phí tuyên truyền tiếp thi quảng cáo hướng dẫn sử dụng, các chi phí trước đây được Nhà nước hỗ trợ như chi phí bản thảo, dạy thực nghiệm, nhuận bút…đến nay các Nhà xuất bản phải chủ động chi trả…sẽ làm giá thành sách giáo khoa tăng lên.
Trên thực tế, sách giáo khoa là một trong những vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu của học sinh các cấp hiện nay. Do đó giá sách giáo khoa có tác động lớn đến đời sống xã hội. Theo thống kê giáo dục năm 2017-2018, cả nước có khoảng 15,9 triệu học sinh phổ thông nên việc điều chỉnh tăng giá sách giáo khoa đều có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước và tâm ký người dân.
Theo Chính phủ, việc thực hiện kê khai giá chưa đủ để điều tiết công bằng trong in ấn phát hành sách giáo khoa như mong muốn, Nhà nước không điều tiết được giá có thể làm ảnh hưởng đế an sinh xã hội đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Một lý do khác được Chính phủ đưa ra là nếu không có cơ chế điều tiết giá dẫn đến có sự chênh lệnh về giá giữa các Nhà xuất bản và có thể nảy sinh tiêu cực trong quá trình lựa chọn bộ sách giáo khoa cho học sinh. Do đó Chính phủ cho rằng, việc Nhà nước điều tiết giá sách giáo khoa bằng hình thức định giá là cần thiết.
Căn cứ khoản 4 Điều 19 Luật Giá: “Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thực giá tối đa.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết thêm việc đưa mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ kiểm soát được tình trạng các doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tạo sự công khai minh bạch về giá sách giáo khoa. Đây là công cụ để thực hiện điều tiết giá đối với mặt hàng sách giáo khoa, khắc phục những điểm yếu của việc kê khai giá sách hiện nay.
Hơn nữa, việc quy định giá tối đa đối với mặt hàng sách giáo khoa sẽ tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các Nhà xuất bản thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tiết kiệm, ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh, góp phần đảm bảo sự công bằng giữa các nhà xuất bản. Đối với người tiêu dùng cũng sẽ được tiếp cận sách với giá hợp lý.
 Toản cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Qua thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, theo quy định hiện hành, sách giáo khoa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có chủ trương lớn là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa, do đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là chưa phù hợp với mục tiêu, quan điểm trong Nghị quyết của Quốc hội và trái với nguyên tắc thị trường, chưa phù hợp với quy định của Luật Giá.
“Mặt khác, để đảm bảo mức giá phù hợp trong cơ chế thị trường thì Chính phủ cần có cơ chế để mở rộng đối tượng được in ấn, phát hành sách giáo khoa, bảo đảm có nhiều nhà cung cấp cùng sản phẩm, từ đó góp phần giảm giá bán sản phẩm”- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết.
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là không đúng với nguyên tắc được quy định tại Luật Giá. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, “Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền quyết định bổ sung, hơn nữa đánh giá tác động của việc này của Chính phủ cũng mỏng manh lắm".
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cái mà Luật không cho phép thì là sai"- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ đánh giá lại, rà soát lại, có cái nhìn căn cơ tổng thể, nêu cần thiết thì báo cáo Quốc hội để ra nghị quyết hoặc sửa Luật Giá. Tuy nhiên phải lưu ý tác động của việc này rất lớn, phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền chứ không phải quyết định vội vã được.
Đồng tình với quan điểm nên sử dụng công cụ thuế thay vì giá, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, từ bao cấp sang thị trường là chặng đường dài, giờ đề xuất lại quay trở lại những quy định chưa phù hợp với kinh tế thị trường thì cần phải đánh giá kỹ lưỡng.