Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trước sức ép từ cuộc xung đột tại Ukraine

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống trong phiên ngày 3/3, dẫn đầu đà giảm là nhóm cổ phiếu công nghệ.

Dow Jones quay đầu giảm gần 100 điểm, Nasdaq Composite mất 1,5% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/3. Ảnh: AP
Dow Jones quay đầu giảm gần 100 điểm, Nasdaq Composite mất 1,5% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/3. Ảnh: AP

Thị trường Phố Wall tiếp tục trải qua phiên giao dịch ảm đảm trong ngày 3/3 khi nhà đầu tư vẫn thận trọng với diễn biến tình hình bất ổn địa chính trị tại Ukraine.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones sụt 96,69 điểm, tương đương 0,29%, xuống còn 33.794,66 điểm, sau khi tăng trong hầu hết phiên giao dịch. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,53%, về mức 4.363,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 1,56% còn 13.537,94 điểm.

Các cổ phiếu phần mềm đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch này khi cổ phiếu Okta và Snowflake lần lượt sụt 8% và 15%, sau báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý. Cổ phiếu Salesforce và Adobe đều giảm hơn 2%. Cổ phiếu Tesla mất 4,6%, còn cổ phiếu Amazon hạ 2,7%.

Những cổ phiếu mang tính phòng thủ như y tế và tiện ích điện nước tăng vượt trội. Cổ phiếu Duke Energy tăng 1,8%, cổ phiếu Amgen cộng 1,7%,  và cổ phiếu Walmart nhích hơn 2%.

Một số nhà phân tích Phố Wall nhận định rằng thị trường đã hoặc sắp tìm thấy mức đáy của năm 2022. Các chiến lược gia của Citi đã nâng mức đánh giá với cổ phiếu Mỹ và ngành IT toàn cầu.

"Bất chấp các sự kiện bất ổn ở Ukraine, các thị trường cổ phiếu thế giới vẫn trụ vững. Đà giảm tập trung ở nhóm tài chính và những cổ phiếu có rủi ro gắn liền với Nga. Chúng tôi vẫn khuyến cáo mua bắt đáy và nhấn mạnh rằng chứng khoán toàn cầu thường tăng 10-20% sau khi các cuộc khủng hoảng địa chính trị trước đây chấm dứt," nhà phân tích Robert Buckland của Citi nhận xét.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cảnh báo rằng đây có thể là một năm khó khăn phía trước khi thị trường đối mặt với các đợt tăng lãi suất như dự kiến và chính sách thắt chặt tiền tệ  của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Ông Mohamed El-Erian - nhà kinh tế trưởng tại Allianz, đánh giá: "Các thị trường thời gian qua đã chống đỡ hiệu quả, nhưng liệu sẽ kéo dài trong thời gian tới khi FED dự kiến không bơm thêm thanh khoản kể từ tháng này".

Theo chuyên gia El-Erian, những tín hiệu kỹ thuật mạnh mẽ từng giúp thị trường vượt qua những cú sốc trước đây sẽ suy yếu trong năm nay, vì vậy thị trường sẽ chịu nhiều áp lực hơn và tiếp tục biến động.

Giá dầu mỏ hạ nhiệt trong phiên giao dịch này, trong đó giá dầu WTI dao động dưới ngưỡng 110 USD/thùng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm xuống 1,85% sau khi ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2020 trong ngày trước đó.

Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình chiến sự tại Ukraine khi cuộc xung đột bước sang tuần thứ hai. Chính phủ Ukraine vẫn kiểm soát thủ đô Kiev, nhưng các cuộc giao tranh diễn ra ác liệt tại Mariupol và Kharkiv. Trong khi đó, các quan chức ngoại giao Ukraine và Nga đã tiến hành vòng đàm phán thứ hai và thống nhất các hành lang nhân đạo.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng chờ đợi những nhận định từ các quan chức FED, bao gồm phiên điều trần của Chủ tịch FED Jerome Powell trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ trong ngày thứ 2 trước Quốc hội trong tuần này. Chủ tịch FED khu vực Cleveland Loretta Mester, nói rằng cuộc chiến ở Ukraine đã làm tăng sự cần thiết FED phải nâng lãi suất.

Về dữ liệu kinh tế, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước là 215.000 người, thấp hơn so với dự báo 225.000 người từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.