Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ hồi sinh sau kế hoạch của BoJ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm qua 5/4, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bất ngờ quyết định tung ra chương trình nới lỏng tiền tệ mạnh tay, nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Theo đó, BoJ sẽ gia tăng gấp đôi lượng trái phiếu chính phủ dài hạn cũng như số chứng chỉ quỹ ETF đang nắm giữ và mua thêm trái phiếu Chính phủ Nhật Bản.

Đồng thời, BOJ cũng có kế hoạch công bố khung thời gian cho chương trình mua tài sản mở và cho biết nhiều khả năng hàng tháng sẽ mua vào 7.000 tỷ Yên trái phiếu chính phủ dài hạn. Ngay sau công bố của BOJ, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã vọt mạnh, và chốt ngày ở mức tăng 2,2%.

Tại Mỹ. phố Wall đảo chiều tăng điểm nhờ hiệu ứng tích cực từ kế hoạch mở rộng chương trình nới lỏng tiền tệ của BoJ.

Chốt phiên giao dịch ngày 4/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng được 55,76 điểm, tương ứng với mức 0,38%, lên 14.606,11 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng được 6,29 điểm, tương ứng với mức 0,40%, lên 1.559,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 6,38 điểm, tương ứng với 0,20%, lên chốt ở 3.224,98 điểm.

Chứng khoán Mỹ hồi sinh sau kế hoạch của BoJ - Ảnh 1

Trong đó, riêng chỉ số S&P 500 đã tăng được 9,4% kể từ đầu năm 2013 tới nay. Chỉ số này mới đây đã vượt qua ngưỡng cao nhất mọi thời đại, nhưng nhiều lần không giữ được sự ổn định.

Trong số các cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất đêm qua, đáng chú ý là cổ phiếu của Best Buy tăng tới 16,1% lên 25,13 USD, cổ phiếu của mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook tăng được 3,1% lên 27,07 USD sau khi công bố một hệ ứng dụng di động mới. Trong khi cổ phiếu Google giảm 1,4% xuống 795,07 USD.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức trung bình, với khoảng 6 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn so với mức trung bình hàng ngày 6,45 tỷ cổ phiếu của năm 2012. Số cổ phiếu tăng điểm vượt trội số giảm trên sàn New York theo tỷ lệ 9/5, sàn Nasdaq là 5/3.

Cùng ngày 4/4 ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu vẫn tiếp tục đi xuống với cả ba chỉ số chính của khu vực đều mất điểm, trong đó FTSE 100 của Anh lùi 1,19% xuống 6.344,12 điểm; DAX 30 của Đức trượt 0,73% xuống 7.817,39 điểm và CAC 40 của Pháp mất 0,77% xuống 3.726,16 điểm./.

Chứng khoán châu Á biến động trái chiều vào lúc mở phiên cuối tuần ngày 5/4, với Hang Seng của Hong Kong trượt 1,03% trong khi Nikkei 225 của Nhật Bản tiếp tục bật mạnh 4,68% sau khi Ngân hàng Trung ương nước này (BoJ) công bố các giải pháp tăng cường chính sách nới lỏng tiền tệ, khiến đồng yen tiếp tục nối dài chuỗi ngày giảm giá so với đồng bạc xanh và đồng euro.