Chứng khoán Mỹ  leo dốc liền 3 phiên, Dow Jones tăng vọt hơn 300 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tiếp tục khởi sắc trong phiên ngày 25/10 trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà đầu tư đặt cược vào việc Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất do nền kinh tế đang có dấu hiệu  tăng chậm lại.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong phiên ngày 25/10. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong phiên ngày 25/10. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones tăng 337,12 điểm (tương đương 1,1%) lên 31.836,74 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 1,6% lên mức 3.859,11 điểm, còn Nasdaq Composite nhích 2,2% lên 11.199,12 điểm.

Đà đi lên trong ngày thứ Ba nối dài đà tăng mạnh trong 2 phiên trước đó. Khép phiên ngày thứ Hai (24/10), Dow Jones và S&P 500 đều tăng hơn 1%, còn Nasdaq Composite tiến 0,9%. Chỉ số Dow Jone cũng leo dốc hơn 700 điểm trong phiên thứ Sáu tuần trước (21/10).

Hầu hết nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều tăng trong phiên 25/10, dẫn đầu là nhóm bất động sản và vật liệu. Cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất giảm nhẹ. 

Việc lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ hạ nhiệt đã hỗ trợ cho đà tăng của thị trường Phố Wall trong phiên giao dịch ngày 25/10. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 4,087%, còn lợi suất kỳ hạn 2 năm cũng sụt về mức 4,47%.

Ông Cliff Hodge - Giám đốc đầu tư tại công ty Cornerstone Wealth, nói  rằng những biến động của lợi suất và chỉ số chứng khoán là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư “đang kỳ vọng ngày càng lớn vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không thắt chặt quá mức”.

Theo chuyên gia Hodge, các dữ liệu kinh tế công bố ngày 25/10 cũng giúp giới đầu tư củng cố thêm kỳ vọng Fed sẽ sớm điều chỉnh tốc độ nâng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát.

Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế công bố vào ngày thứ Ba tiếp tục nhen nhóm hy vọng của nhà đầu tư cổ phiếu rằng Fed sẽ bớt diều hâu hơn trong chính sách tiền tệ.

Chỉ số S&P CoreLogic Case-Shiller 20-City House Price vừa được thông báo ngày 25/10 cho thấy giá tháng 8 nhà tại 20 thành phố lớn của Mỹ cao hơn 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã giảm 1,3% so với tháng trước đó. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) cũng giảm, cho thấy người dân đang có cái nhìn bi quan hơn về triển vọng nền kinh tế.

Paul Zemsky, Giám đốc đầu tư về các giải pháp và chiến lược đa tài sản tại Voya Investment Management, nhận xét với CNBC: “Chúng tôi nhận thấy nền kinh tế tăng chậm lại có thể sẽ khiến Fed trở nên mềm mỏng hơn trong chính sách tiền tệ”.

Ông Jeffrey Roach - nhà kinh tế trưởng của LPL Financial, đánh giá: “Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 % vào tháng 11 để giảm bớt áp lực lạm phát, nhưng tốc độ tăng lãi suất trong tháng 12 vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ngờ. Lý do là nhu cầu tiêu dùng cao sẽ duy trì áp lực tăng giá”.

Trong khi đó, các nhà đầu tư đang tập trung vào báo cáo kết quả kinh doanh quý III từ các công ty công nghệ lớn, bao gồm Microsoft và Alphabet, để tìm manh mối về cách các công ty Mỹ đối mặt với lạm phát cao và lãi suất tăng.

Các “ông lớn” có kết quả kinh doanh với lợi nhuận tốt hơn dự báo trong phiên là General Motors và Coca-Cola lần lượt tăng 3,6% và 2,4%. Trong khi Xerox giảm 14% sau khi công bố thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) thấp hơn gần 50% so với dự kiến.

Cho đến nay, các công ty đã chứng minh rằng họ có thể hoạt động tốt hơn kỳ vọng. Theo dữ liệu từ FactSet, tính đến sáng ngày 25/10, có đến 71% số công ty đã báo cáo có EPS cao hơn kỳ vọng.

Cổ phiếu của Microsoft và Alphabet, sẽ báo cáo kết quả sau khi thị trường đóng cửa đã đều tăng điểm, trong khi Apple và Amazon.com cũng tăng khi sẽ có kết quả kinh doanh vào cuối tuần này.

Ông John Waldron, chủ tịch và giám đốc điều hành của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, cho biết lạm phát hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với các công ty Mỹ. Theo ông Waldron, áp lực tiền lương và đà tăng chóng mặt của giá hàng hóa là những thách thức đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần