Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ thất vọng vì lạm phát “tăng nhiệt”, Dow Jones giảm hơn 50 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ chỉ giảm nhẹ trong phiên ngày 10/10 khi giới đầu tư thận trọng mua gom cổ phiếu sau khi đón nhận dữ liệu lạm phát cao hơn dự báo.

Chứng khoán Mỹ chịu áp lực do mức lạm phát tháng 9 cao hơn dự kiến. Ảnh: CNBC
Chứng khoán Mỹ chịu áp lực do mức lạm phát tháng 9 cao hơn dự kiến. Ảnh: CNBC

Đóng cửa phiên ngày thứ Năm, chỉ số S&P 500 mất 0,21% xuống còn 5.780,05 điểm, còn chỉ số Dow Jones giảm 57,88 điểm (tương đương 0,14%) về mức 42.454,12 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng sụt 0,05% xuống còn 18.282,05 điểm.

Giám đốc danh mục đầu tư tại CooksonPeirce, ông Luke O’Neil, nhận định rằng diễn biến thị trường trong phiên giao dịch ngày thứ Năm phụ thuộc vào báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9. Vị chuyên gia cho biết: “Báo cáo không hoàn toàn bất ngờ với thị trường, nhưng một số dữ liệu đã nóng hơn một chút so với dự báo của giới chuyên gia. Do đó, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, vốn nhạy cảm hơn với lãi suất”. 

Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/10, CPI tháng 9 nhích 0,2% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mức tăng này đều cao hơn so với dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, tương ứng là 0,1% và 2,3%. Mặc dù vậy, lạm phát trong tháng 9 vẫn ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. 

Trong một báo cáo riêng được công bố cùng ngày, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tuần (tính đến ngày 5/10) cũng tăng lên 258.000, cao hơn mức dự báo 230.000.

“Các nhà đầu tư trên sàn Phố Wall đang phân vân giữa dữ liệu CPI mạnh hơn dự kiến và báo cáo đơn xin trợ cấp thất nghiệp yếu hơn dự báo. Một bên cho thấy lạm phát đang “tăng nhiệt”, còn bên kia lại chỉ ra rằng nền kinh tế dường như giảm tốc. Đây là một kịch bản xấu từ cả hai phía” - chuyên gia Jack Ablin - Giám đốc đầu tư của Cresset Capital ở Chicago, nói với hãng tin Reuters.

Sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, các nhà giao dịch đặt cược 80% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất với mức 0,25% và 20% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào cuộc họp vào tháng 11, theo công cụ FedWatch của CME.

Với báo cáo CPI nóng hơn kỳ vọng, Chủ tịch Fed tại Atlanta, ông Raphael Bostic, nói với tờ báo Wall Street Journal rằng ông ủng hộ quan điểm giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11 thay vì hạ lãi suất như kỳ vọng của thị trường. “Đối với tôi, với mức lạm phát như thế này, chúng tôi có lẽ nên tạm dừng việc giảm lãi suất vào tháng 11. Tôi chắc chắn để ngỏ khả năng này” - ông Bostic cho hay.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed tại Chicago Austan Goolsbee bình luận về những đợt cắt giảm lãi suất dần dần trong 18 tháng tới, còn Chủ tịch Fed tại New York John Williams vẫn ủng hộ các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ  trong tương lai.

Biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed cũng cho thấy sự chia rẽ giữa các quan chức về động thái giảm lãi suất mạnh tay vào tháng trước. Mặc dù “phần lớn các quan chức” ủng hộ việc cắt giảm với mức 0,5%, một số vẫn muốn một đợt điều chỉnh lãi suất khiêm tốn hơn.

Theo chuyên gia O'Neill, dữ liệu CPI tháng 9 sẽ ủng hộ mức giảm lãi suất 0,25% vào tháng 11 tới.

Trong diễn biến khác,  cổ phiếu của Universal Insurance cộng khoảng 12% khi bão Milton đổ bộ bang Florida. Cổ phiếu công ty bán dẫn Advanced Micro Devices (AMD) giảm 4% sau khi hãng này tung ra chip trí tuệ nhân tạo mới nhằm cạnh tranh với Nvidia.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang chuẩn bị cho mùa báo cáo lợi nhuận quý 3, với các ngân hàng lớn dự kiến sẽ công bố kết quả vào thứ Sáu. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp trong S&P 500 được dự báo tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu được LSEG tổng hợp.