Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/10 (giờ địa phương), chỉ số Dow Jones sụt 184,93 điểm (tương đương 0,44%) về còn 42.011,59 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,17% xuống 5.699,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 0,04% về còn 17.918,48 điểm.
Sàn giao dịch Phố Wall khởi đầu tháng 10 kém khởi sắc khi căng thẳng leo thang tại Trung Đông, gây ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ lao dốc vào ngày 1/10 sau khi Iran phóng tên lửa đạn đạo tấn công Israel. Hiện các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho nguy cơ bất ổn lan rộng tại Trung Đông khi Israel bắt đầu chiến dịch trên bộ tại Lebanon.
Giá dầu WTI của Mỹ tăng gần 5% trong ngày 3/10. Tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu đã vọt lên hơn 8% do lo ngại gián đoạn nguồn cung nhiên liệu.
Nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc chỉ số S&P 500 cũng theo đà tăng thêm 5,9% trong tuần. Nhóm ngành này đang trên đà có tuần tăng mạnh nhất trong hơn một năm.
Tuy nhiên, năng lượng chỉ là một trong số ít điểm sáng của trên thị trường chứng khoán Mỹ. Khoảng 80% cổ phiếu thành phần của S&P 500 đã quay đầu đi xuống. Bên cạnh đó, cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng gặp khó khăn với chỉ số Russell 2000 giảm 0,7%.
Với kết quả kém khả quan trong phiên 3/10, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đang trên đà chứng kiến tuần lao dốc. Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã giảm 0,7% kể từ đầu tuần đến nay, trong khi Nasdaq Composite sụt 1,1%.
Diễn biến này có thể đánh dấu bước ngoặt sau ba quý giao dịch bùng nổ. Bespoke Investment Group cho biết,trong 9 tháng đầu năm 2024, chứng khoán Mỹ ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ năm 1997.
“Chúng ta đã chứng kiến một năm tuyệt vời cho đến nay” - chuyên gia trưởng về chiến lược định lượng Mike Dickson tại Horizon Investments nói với đài CNBC. Tuy nhiên, ông Dickson cảnh báo thị trường vẫn đối mặt nhiều thách thức trong những tháng còn lại của năm.
Theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 28/9 ở mức 225.000 yêu cầu, tăng 6.000 yêu cầu so với kết quả đã điều chỉnh vào tuần trước đó.
Đồng thời, báo cáo lần này cũng cao hơn dự báo 220.000 yêu cầu từ các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Dow Jones. Số yêu cầu tiếp tục trợ cấp ở mức 1,826 triệu, thấp hơn ước tính 1,836 triệu của FactSet.
Số liệu việc làm phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 sẽ được Bộ Lao động công bố trong ngày 4/10 theo giờ Mỹ. Những con số này có thể định hình lại kỳ vọng của thị trường về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong cuộc họp tháng 11.
Các nhà kinh tế được khảo sát bởi Reuters dự đoán sẽ có thêm 140.000 việc làm mới, còn tỷ lệ thất nghiệp dự kiến duy trì ổn định ở mức 4,2%.
Giới đầu tư đang mong đợi thêm dữ liệu về thị trường lao động sau khi Fed cắt giảm lãi suất ở mức 0,5% vào tháng trước.
Ông Adam Sarhan - giám đốc điều hành của 50 Park Investments, nói với Reuters: "Rõ ràng là các nhà đầu tư đang thận trọng chờ đợi báo cáo việc làm phi nông nghiệp trong tháng 9. Theo quan điểm của tôi, việc chốt lời sau một đợt tăng lớn như chúng ta đã thấy trong vài tuần gần đây là điều hoàn toàn bình thường”.
Thị trường hiện đặt cược xác suất 35% Fed sẽ cắt giảm 0,5% lãi suất vào tháng tới, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Về dữ liệu kinh tế, khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ trong tháng 9 đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 năm. Đây là bằng chứng cho thấy nền kinh tế vẫn mạnh mẽ trong quý 3.
"Một lần nữa, lĩnh vực dịch vụ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt giữ cho nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển" - nhà kinh tế trưởng Brian Jacobsen tại Annex Wealth Management cho biết.