Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán tháo diện rộng, Dow Jones sụt gần 400 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư bán tháo cả cổ phiếu công nghệ lẫn cổ phiếu vốn hóa nhỏ.

Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/7. Ảnh: CNBC
Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/7. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 19/7, chỉ số S&P 500 sụt 0,71%, về còn 5.505 điểm. Chỉ số Nasdaq Compositr giảm 0,81%, còn 17.726,94 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 377,49 điểm, tương đương 0,93%, xuống mức 40.287,53 điểm.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ chứng kiến ngày sụt giảm trên diện rộng thứ hai. Ngoài ra, chỉ số Russell 2000 gồm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa cũng giảm 0,63%. 

Tuy nhiên, xét chung cả tuần, thị trường Phố Wall vẫn đang trong xu hướng chuyển dịch từ nhóm cổ phiếu công nghệ sang cổ phiếu có vốn hóa nhỏ và  cổ phiếu mang tính chu kỳ, vốn được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất. 

Trong tuần qua, S&P 500 và Nasdaq Composite đã giảm 1,97% và 3,65%, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2024. Chỉ số Nasdaq Composite cũng chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng điểm. Ở chiều ngược lại, Dow Jones cộng 0,72%. còn Russell 2000 tăng tới 1,68%. 

Giám đốc đầu tư Glen Smith của Công ty Wealth Management nhận định với CNBC: “Thị trường chứng khoán đang trải qua một đợt dịch chuyển đã được chờ đợi từ lâu. Các nhà đầu tư đang rút tiền ra khỏi các cổ phiếu công nghệ lớn vốn tăng bùng nổ trong thời gian qua, và chuyển sang những nhóm cổ phiếu khác trên thị trường”.

Sự dịch chuyển này đã tạo tâm lý phấn khích đối với một số nhà đầu tư chuyên nghiệp ở Phố Wall, những người trước đây vẫn quan ngại rằng xu hướng tăng điểm của thị trường đang trở nên phụ thuộc quá mức vào nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn.

Trong khi đó, sự lạc quan ngày càng tăng xung quanh kỳ vọng Fed sớm nới lỏng chính sách đã thúc đẩy những cổ phiếu nhỏ hơn và có tính chu kỳ hơn.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 92,6% Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Tuần này, có thời điểm mức đặt cược lên tới gần 100%.

Chuyên gia Saira Malik của Công ty Nuveen cho rằng xu hướng chuyển dịch sang các cổ phiếu vốn hóa nhỏ trên sàn Phố Wall có thể kéo dài thêm vài tuần nữa.

“Lịch sử cho thấy xu hướng luân chuyển sang lựa chọn các cổ phiếu vốn hóa nhỏ thường kéo dài khoảng 4 tuần” – chuyên gia Malik cho hay.

Theo chuyên gia Malik, hoạt động giao dịch bùng nổ của cổ phiếu các công ty vốn hóa nhỏ nhiều khả năng sẽ chấm dứt vào tháng 9 - thời điểm được kỳ vọng sẽ diễn ra đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay của Fed.

Xu thế dịch chuyển khỏi các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn là nguyên nhân khiến Nasdaq Composite giảm sâu nhất trong số các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trong tuần này. Tương tự, công nghệ thông tin là nhóm sụt mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của chỉ số S&P 500, ghi nhận mức giảm 5,1%.

Ông Chris Verrone - giám đốc nghiên cứu kỹ thuật và vĩ mô tại Strategas, nói với CNBC rằng mặc dù một số cổ phiếu có đà tăng trưởng tốt đã bị ảnh hưởng, nhưng bề rộng thị trường đã được cải thiện đáng kể trong 2 tuần qua.

Trong phiên giao dịch ngày 19/7, cổ phiếu CrowdStrike lao dốc 11,1% sau sự cố gián đoạn lớn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới. Cổ phiếu Microsoft chốt phiên cũng giảm 0,74%. Sàn giao dịch chứng khoán New York và Nasdaq đều cho biết giao dịch dường như không bị ảnh hưởng.