Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 15/7, chỉ số Dow Jones tăng 210,82 điểm, tương đương tăng 0,53%, đạt 40.211,72 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0,28%, đạt 5.631,22 điểm. Cả hai chỉ số cùng lập kỷ lục nội phiên và đây cũng là mức điểm chốt phiên cao chưa từng thấy của Dow Jones. Chỉ số Nasdaq cũng nhích 0,4%, lên 18.427,57 điểm.
Thị trường Phố Wall kỳ vọng rằng nếu đắc cử tổng thống, ông Trump sẽ mang tới chính sách tài khóa thân thiện hơn với doanh nghiệp.
Chiến lược gia trưởng Sam Stovall của Công ty CFRA Research nói với đài CNBC: “Tin tích cực là ông Trump không bị thương nặng, rằng ông ấy đã vượt qua được vụ ám sát hụt. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng thị trường sẽ duy trì được đà khởi sắc trong tuần này”.
Trong ngày 15/7, đại hội của Đảng Cộng hòa đã khai mạc ở Milwaukee, bang Wisconsin. Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, ông Trump đang dẫn trước Tổng thống Joe Biden về tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc.
Cổ phiếu vốn hóa nhỏ và ngân hàng cùng ghi nhận kết quả tích cực trong phiên 15/7.
Cổ phiếu Humana và UnitedHealth đều tăng trong phiên đầu tuần. Các công ty bảo hiểm được kỳ vọng có thể hưởng lợi nhờ mức chi phí thấp hơn dưới thời chính quyền Đảng Cộng hòa.
Cổ phiếu Goldman Sachs tăng thêm 2,6% sau khi ngân hàng này công bố lợi nhuận vượt kỳ vọng của các nhà phân tích.
Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ có phiên đi lên thứ 4 liên tiếp với mức tăng 1,8%, đạt mức cao nhất kể từ năm 2022, cho thấy sự mở rộng của xu hướng tăng điểm.
Một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs cho biết, việc ông Trump trúng cử nhiệm kỳ thứ hai có thể giúp các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng vượt trội, tương tự như sau khi ông Trump đắc cử vào năm 2016.
Ngoài yếu tố chính trị, chứng khoán Mỹ phiên đầu tuần còn tiếp tục được hỗ trợ bởi triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kỳ vọng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới giúp xu hướng tăng điểm trên sàn Phố Wall mở rộng từ tuần trước, thay vì chỉ tập trung vào các cổ phiếu công nghệ vốn hóa như trước đây.
Trong khi đó, phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế ở Washington DC hôm 15/7, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ không đợi cho tới khi lạm phát giảm về 2% mới hạ lãi suất. Ông cũng nói khó có chuyện nền kinh tế hạ cánh cứng.
“Chúng ta đang tiến rất gần thời điểm mà Fed thấy được dữ liệu cần thiết để có thể thoải mái giảm lãi suất. Đó là điều đầu tiên và quan trọng nhất chi phối tâm lý thị trường vào lúc này” - trưởng nghiên cứu Bill Merz của Công ty US Bank Asset Management nhận định.
Theo chuyên gia Rick Rieder của BlackRock, nhiều khả năng Fed sẽ bắt đầu đảo chiều chính sách thắt chặt tiền tệ vào tháng 9.
“Liệu Fed có cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng này không? Tôi nghĩ tỷ lệ cược là thấp. Tuy nhiên, Fed có thể bắt đầu nới lỏng tiền tệ vào tháng 9 khi đón nhận các báo cáo kinh tế tích cực trong thời gian gần đây” - chuyên gia Rieder cho biết.
Dữ liệu được công bố tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 6 thấp hơn so với tháng trước đó và lần đầu tiên giảm sau hơn 4 năm. Số liệu tích cực này càng củng cố khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Cụ thể, chỉ số CPI, một thước đo rộng về chi phí hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế, giảm 0,1% so với tháng 5 và nếu so với cùng kỳ, chỉ số này chỉ còn tăng 3%.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng hơn 93% Fed hạ lãi suất vào tháng 9.