Kết quả kinh doanh của DN niêm yết đi xuống
Mở đầu năm 2023, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng như TTCK toàn cầu đã có bước nhảy vọt. Phần lớn kỳ vọng của nhà đầu tư về động thái các ngân hàng trung ương lớn chậm lại đà tăng lãi suất, và câu chuyện Trung Quốc mở cửa trở lại đã phản ánh vào nhịp tăng này.
Trên TTCK Việt Nam, xu hướng dòng vốn từ khối ngoại tích cực hơn dự đoán. Với với tầm nhìn đầu tư dài hạn động lực từ khối ngoại hiện đang làm nhẹ bớt những lo ngại về rủi ro ngắn hạn. Những lo ngại này theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI là số liệu kết quả kinh doanh quý 4 đi xuống. Tổng lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 toàn thị trường đã được các DN công bố giảm 31,4% so với cùng kỳ và giảm 54,8% nếu loại trừ lợi nhuận từ nhóm ngân hàng. Đồng thời số liệu về vĩ mô tháng 1/2023 cho thấy nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Còn dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt lại cho thấy, diễn biến kết quả kinh doanh quý 4/2022 đang yếu hơn so với kỳ vọng chung. Theo thống kê dữ liệu 370 DN thuộc sàn HOSE, xu hướng chung ở hầu hết các ngành là tăng trưởng bắt đầu giảm tốc trong quý 4/2022.
Trong khi thị trường đang chờ đợi những luồng gió mới từ yếu tố cơ bản, khoảng trống thông tin vẫn còn khá dài phía trước, cho tới khi mùa đại hội cổ đông và kết quả kinh doanh quý 1/2023 lần lượt diễn ra.
“Tháng 2/2023, khả năng thị trường điều chỉnh đang cao hơn, chiến lược giải ngân thận trọng với việc hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ giúp nhà đầu tư bảo toàn danh mục tốt hơn. Ngoài ra, những nhịp đi xuống của thị trường là cơ hội để nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn tối ưu hóa hiệu quả đầu tư trong năm 2023” - báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị.
Linh hoạt “mua thấp, bán cao”
Giới phân tích cho rằng, tháng 2/2023, thị trường nghiêng nhiều hơn về kịch bản giằng co tích lũy. Cung chốt lời khả năng sẽ gia tăng trong bối cảnh tháng 2 là tháng trống thông tin; tuy nhiên nếu dòng tiền từ khối ngoại được duy trì và bên cạnh đó là các yếu tố hỗ trợ đến từ chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ (thông qua việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công), hay Nghị định 65 sửa đổi dự kiến trình Chính phủ trong tháng 2 để được thông qua vẫn sẽ tác động tích cực lên TTCK theo chiều ngược lại.
“Dù vậy, TTCK vẫn tồn tại các yếu tố rủi ro tiềm ẩn đến từ trong nước, như áp lực thanh khoản hệ thống bắt nguồn từ lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, hay như các khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn sẽ kéo dài do lãi suất có thể đạt đỉnh, nhưng khó hạ nhiệt ngay. Trong khi đó, rủi ro căng thẳng địa chính trị vẫn chưa thể loại trừ” - chuyên gia SSI phân tích.
Lịch sử TTCK cho thấy các giai đoạn biến động mạnh nhất của thị trường theo chiều hướng xấu khả năng tạo cơ hội tốt nhất. Và lời khuyên SSI đưa ra là tiếp tục duy trì chiến lược tổng thể vào các nhịp điều chỉnh mạnh, do biến số rủi ro mang lại sẽ đẩy mạnh mua vào cho chiến lược đầu tư trung hạn. Với tầm nhìn ngắn hạn, nhà đầu tư có thể linh hoạt với chiến lược giao dịch năng động “mua thấp bán cao”.
Về chỉ số VN-Index, báo cáo chiến lược đầu tư của Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, khả năng thị trường điều chỉnh đang cao hơn. Và chiến lược giải ngân thận trọng với việc hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ giúp nhà đầu tư bảo toàn danh mục tốt hơn. Trong kịch bản cơ sở, đội ngũ phân tích của Rồng Việt kỳ vọng VN-Index dao động trong khoảng 1.010 - 1.100 điểm.