Sự kiện do Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức. Ông Bùi Hoàng Tùng – Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương, ông Đặng Quốc Khánh – Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT cùng nhiều khách mời là chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TN&MT đến dự.
Mối họa toàn cầu
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đặng Quốc Khánh – Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng đang là vấn đề của toàn cầu. “Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất” – ông Đặng Quốc Khánh nói.
Theo Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu. “Tại Diễn đàn hôm nay, tôi kêu gọi các cấp cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên Bộ, Đoàn thanh niên các liên chi thuộc đoàn Trường Đại học TN&MT, các cơ quan tổ chức và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa” – ông Đặng Quốc Khánh nói.
Trình bày tham luận tại diễn đàn, ông Phan Quốc Huy – Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Biển và Hải đảo làm rõ mối nguy hại to lớn mà rác thải nhựa gây ra, trong đó vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đang ngày càng nghiêm trọng, “Đến năm 2050, các đại dương có thể chứa nhựa nhiều hơn cá” – ông Phan Quốc Huy đưa ra cảnh báo và nhấn mạn, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ nhựa vẫn không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Theo thống kê của Bộ TN&MT, Việt Nam là nước đứng thứ 3 Asean về tiêu thụ các sản phẩm đến từ nhựa. Đi cùng với đó, nguy cơ rác thải nhựa cũng sẽ tăng cao.
Cũng tại diễn đàn, ông Trần Toàn – Bí thư Huyện đoàn A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chia sẻ câu chuyện chống rác thải nhựa của địa phương. “Chúng tôi đưa ra nhiều sáng kiến giảm rác thải nhựa” – ông Trần Toàn mở đầu câu chuyện. Những sáng kiến mà Huyện đoàn A Lưới đưa ra đã và đang phát huy được hiệu quả thấy rõ trong. Có thể kể đến như mô hình trường học giảm thiểu rác thải nhựa với việc thực hiện đa dạng và đồng bộ các giải pháp như tập huấn tuyên truyền nhâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh về tác hại của túi nilon, hay tổ chức ngày hội thiếu nhi nói không với túi nilon, phát động cuộc thi làm túi giấy thân thiện với môi trường…
Những chiến binh áo xanh chống rác thải nhựa
Bí thư Huyện đoàn A Lưới Trần Toàn cho biết, để giảm rác thải nhựa cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, đoàn thể, người dân. Trong đó, 3 nội dung quan trọng nhất phải thực hiện được đó là tiết giảm sử dụng sản phẩm từ nhựa, tái sử dụng những sản phẩm từ nhựa và tìm ra nguồn vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường. Khi thực hiện được ba việc trên, rác thải nhựa sẽ dần bị loại bỏ.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Cao Hoàng Anh – đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT khẳng định, để giảm rác thải nhựa cần phải có giải pháp toàn diện. Trong đó quan trọng nhất là công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về mối nguy hại mà rác thải nhựa gây ra, từ đó chung tay đẩy lùi vấn nạn này. Ông Cao Hoàng Anh đặc biệt đánh giá cao vai trò của đội ngũ đoàn viên, thanh niên trong cuộc chiến chống rác thải nhựa khi ví đây như những chiến binh thực thụ.
“Trong thời gian gần đây, làn sóng hoạt động bảo vệ môi trường đã nổi lên như một làn gió mới, mạnh mẽ và sôi động trong cộng đồng thanh niên Việt Nam. Bằng những hành động cụ thể và mô hình thiết thực, đoàn viên, thanh niên là những chiến binh trong hành trình chung để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa, từng bước xây dựng một xã hội an toàn, văn minh và hiện đại” – ông Cao Hoàng Anh nói.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã chung tay thực hiện cam kết chống rác thải nhựa nói chung và chất thải nhựa đại dương nói riêng.
Theo thống kê của Bộ TN&MT, trung bình mỗi hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Trong đó, chỉ tính riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 10% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.