Trước đó, năm 2017, Tập đoàn CMC cũng mở văn phòng đầu tiên tại TP Yokohama, tỉnh Kanagawa và dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 1.000 nhân viên làm việc cho thị trường Nhật Bản. Hiện có khoảng 20 DN công nghệ thông tin Việt Nam đã mở chi nhánh tại Nhật Bản.
Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), đến năm 2020, xuất khẩu phần mềm Việt Nam từ mốc 300 triệu USD có thể đạt doanh thu 1 tỷ USD; Số lập trình viên làm việc cho thị trường Nhật Bản có thể tăng từ 10.000 lên đến 300.000 lập trình viên… Từ vị thế Việt Nam chỉ đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài và các DN Việt chỉ “quanh quẩn” đầu tư trong nước, nay xu hướng các DN Việt muốn đầu tư quốc tế và nhiều nước chủ động mời gọi, xúc tiến thu hút DN Việt đầu tư cũng ngày càng đậm nét hơn. Nhớ lại trước đó, sau khi ban hành Nghị định 78/2006/NĐ-CP của chính phủ về đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN), tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2006 - 2015 là 52%/năm. Thống kê mới nhất đến nay, Việt Nam có gần 1.200 dự án ĐTRNN vào 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với lũy kế tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 22 tỷ USD và vốn thực hiện khoảng hơn 30%. Riêng quý I/2018, cả nước có 23 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 123,6 triệu USD, bên cạnh đó có 5 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 25,9 triệu USD. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát Top 500 DN lớn nhất Việt Nam 2016 của Vietnam Report, có tới 45% DN có khát vọng ĐTRNN trong 5 năm tới gồm Canada, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Nga…ĐTRNN của Việt Nam cũng ngày càng đa dạng về lĩnh vực (công nghiệp chiếm gần 55%, nông nghiệp 25% và dịch vụ 20%); mở rộng phạm vi, tăng dần về quy mô (với nhiều dự án hàng tỷ USD của TH, PVN, Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam; Tổng Công ty Sông Đà; Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) và ngày càng hướng vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao hơn. Bên cạnh dòng vốn đầu tư của các DN Nhà nước lớn, dòng đầu tư của khối tư nhân cũng ngày càng tăng. Bản chất của hội nhập quốc tế là tạo bình đẳng thuận lợi tốt nhất và cân bằng cho dòng chảy hai chiều “vào” và “ra” khỏi một quốc gia cả về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và cả lao động… ĐTRNN có nhiều tiềm năng và phù hợp xu hướng hội nhập, nhất là trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) mà Việt Nam đang và sẽ tham gia. ĐTRNN đang và sẽ giúp các DN tăng cơ hội tiếp cận, phản ứng nhanh nhạy hơn với biến động thị trường và chính sách, các rào cản kỹ thuật, các tranh chấp thương mại và khác biệt văn hóa trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; tạo lập và củng cố các liên kết chuỗi và hệ thống phân phối, mở rộng thị trường, tận dụng công suất và năng lực, mở ra cơ hội kinh doanh, tạo việc làm và nguồn thu nhập mới, góp phần phát triển và nâng cao vị thế đất nước… Chính vì thế, Đề án “Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 2/2009 đang đặt ra yêu cầu tiếp tục tổng kết, bổ sung các nội dung; tiếp tục hoàn thiện luật pháp, tăng cường năng lực quản lý nhà nước, phát triển thể chế… nhằm tăng tính tổ chức và bảo hộ pháp lý, tạo động lực mới, khơi thông dòng chảy và nâng cao hơn sự an toàn, hiệu quả hoạt động của các dự án ĐTRNN của Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới.