Chương trình Giáo dục phổ thông cấp THPT Hà Nội: Triển khai bài bản, hiệu quả

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện thắng lợi chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp THPT ngay trong năm đầu tiên triển khai được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2022 - 2023.

Học sinh Trường THPT Việt Đức trong giờ học. Ảnh: Công Hùng
Học sinh Trường THPT Việt Đức trong giờ học. Ảnh: Công Hùng

Đáp ứng tốt mục tiêu hướng nghiệp

Năm học 2022 - 2023, cấp THPT trên địa bàn toàn TP có 237 trường, tăng 11 trường so với năm học trước, gần 6.800 lớp, xấp xỉ 6.100 phòng học với khoảng 276.000 học sinh (gồm cả công lập, công lập tự chủ tài chính và ngoài công lập). Để phục vụ công tác dạy và học, TP bố trí ngân sách mua sắm bổ sung tài sản, thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc, ưu tiên các trường mới thành lập, xây mới, công nhận lại chuẩn quốc gia. Hết học kỳ 1, Hà Nội có thêm 4 trường THPT được công nhận chuẩn quốc gia.

Xác định việc tổ chức học theo chương trình GDPT 2018 (Chương trình GDPT mới) đối với lớp 10 là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của năm học 2022 - 2023 cấp THPT. Thực hiện Công văn số 1316/SGDDT-GDTrH ngày 13/5/2022 của Sở GD&ĐT về việc triển khai thực hiện chương trình GDPT mới, các nhà trường đã chủ động xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến tới học sinh và cha mẹ học sinh dự kiến các tổ hợp môn học trong phương án tuyển sinh. Công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc thực hiện chương trình GDPT mới cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Các môn học mới trong điều kiện chưa có giáo viên đã được nhiều trường khắc phục bằng cách sử dụng giáo viên hợp đồng để đáp ứng nhu cầu lựa chọn của học sinh như môn Âm nhạc có 16 trường, Mỹ thuật có 14 trường. Môn Tin học mặc dù chưa có trong tổ hợp thi tốt nghiệp THPT và xét vào các trường đại học nhưng tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Tin học cao thứ hai, sau môn Vật lý (chiếm 62,8%).

“Nhìn chung, trong học kỳ đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 10, các nhà trường đã khắc phục khó khăn để đáp ứng tốt nhất mục tiêu hướng nghiệp của chương trình mới và nhu cầu học tập của học sinh. Việc tổ chức dạy học về cơ bản đã được các nhà trường thực hiện tốt theo đúng văn bản của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT” - đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định.

Phát huy vai trò tổ, nhóm chuyên môn

Để thực hiện thành công chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đẩy mạnh sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Sở GD&ĐT chỉ đạo các cụm trường THPT tổ chức chuyên đề ở nhiều bộ môn khác nhau, linh hoạt kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến để tạo hiệu ứng lan tỏa trên địa bàn toàn TP. Trong học kỳ 1, ngành GD&ĐT TP đã tổ chức được 6 chuyên đề sinh hoạt tổ chuyên môn đối với các tiết minh họa thuộc các môn: Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Toán, Vật lý, Tiếng Anh tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Ứng Hòa.

“Các tiết dạy minh họa đã đem đến cho giáo viên bộ môn trên toàn TP một các tiếp cận mới, đáp ứng yêu cầu dạy học theo hướng phát triển năng lực. Đồng thời thông qua các tiết dạy minh họa, giáo viên các trường có cơ hội giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm chuyện môn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Đối với học sinh, khi được tham gia các tiết học minh họa theo Chương trình GDPT mới, các em rất hào hứng, chủ động, ai cũng mong muốn được phát biểu, phản biện, nói lên quan điểm của mình dù đúng hay sai. Các em cũng được thể hiện vai trò và được đánh giá lẫn nhau” - nhà giáo Vũ Thị Ngọc Tình, giáo viên Trường THPT Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa chia sẻ.

Một điểm nổi bật trong việc thực hiện đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục, đó là việc tổ chức dạy học theo hướng trải nghiệm đã được nhiều nhà trường quan tâm. Điểm nhấn của ngành GD&ĐT Thủ đô thời gian qua trong tiến trình thực hiện Chương trình GDPT mới, đó là ngành đã triển khai kế hoạch “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025. Đến 31/12/2022, đã có 25/96 đơn vị trong danh sách đăng ký đã kết nối cùng xây dựng kế hoạch giao lưu, hỗ trợ; thống nhất nội dung và dự kiến sẽ triển khai thực hiện kế hoạch trong thời gian tới.

Nhận xét về việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 của các nhà trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, công tác chuẩn bị và triển khai Chương trình mới được các đơn vị tiến hành khá bài bản, hiệu quả, tích cực. Thông qua hội nghị góp ý xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường tại tất cả các cụm trường đã có những trao đổi, chia sẻ hữu ích để giúp cho các nhà trường xác định rõ trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, nhận thức vai trò tự chủ và định hình các mục tiêu gắn với thực tế của địa phương và nhà trường.

 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2022 - 2023 là phải tạo lập được cách thực tổ chức dạy và học theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Việc tổ chức các tiết dạy minh họa, sinh hoạt chuyên môn kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến là một cách làm mới, thể hiện rất rõ trách nhiệm và quyết tâm của từng giáo viên, từng tổ nhóm chuyên môn...

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương