Dù vậy, hầu hết cơ sở này được chuyển đổi, nâng cấp từ hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm của tổ chức công đoàn, nên rất khó khăn về cơ sở vật chất, giáo trình, thiết bị dạy học. Đội ngũ cán bộ, quản lý dạy nghề thiếu kinh nghiệm; giáo viên dạy nghề thiếu về lượng, hạn chế về chất. Trong đó, giáo viên, CBCNV hầu như không được hưởng lương từ ngân sách mà chủ yếu tự cân đối thu chi. Các cơ sở này còn phải cạnh tranh mạnh mẽ với các cơ sở dạy nghề của Nhà nước ra đời sớm, được đầu tư đầy đủ hơn.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo công nhân lao động có trình độ chuyên môn cao, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ yêu cầu các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn trước hết phải thực hiện nghiêm Quyết định 1.400 của Tổng LĐLĐ về chỉ tiêu đào tạo nghề 3 năm (2015 - 2017). Hết năm 2017, nếu cơ sở dạy nghề nào không đạt chỉ tiêu đào tạo nghề của cả 3 năm và các trường trung cấp nghề không đủ điều kiện về diện tích đất theo quy định hiện hành, Tổng LĐLĐ và các LĐLĐ tỉnh, TP sẽ xem xét, giải thể, sắp xếp lại hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động, thu hồi đất để sử dụng vào mục đích khác. Các cơ sở dạy nghề nếu 2 năm không hoàn thành chỉ tiêu được giao, sẽ bị thay hiệu trưởng trường, giám đốc trung tâm. Đồng thời, Tổng LĐLĐ sẽ rà soát 4 trung tâm dạy nghề và 3 trung tâm giới thiệu việc làm tại một số tỉnh, TP; trung tâm nào không thực hiện được các chỉ tiêu Tổng LĐLĐ giao, ngân sách công đoàn vẫn phải chi hoạt động, sẽ bị xem xét chuyển đổi hoặc giải thể. Từ năm 2017, LĐLĐ các tỉnh, TP không sử dụng ngân sách công đoàn để chi hoạt động thường xuyên và mua sắm thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề, nếu việc đầu tư không hiệu quả.